Phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khẳng định, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng và cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Rừng ngày chiếm vị thế quan trọng trong kinh tế nông nghiệp

Những năm qua, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp vô cùng quan trọng với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; cùng với đó đã chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Không những thế, ngành lâm nghiệp còn góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hàng ngày được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản.

Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,09 tỷ USD, xuất siêu đạt 14,07 tỷ USD. 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 12,97 tỷ USD, xuất siêu 10,98 tỷ USD. Những con số này cho thấy những đóng góp quan trọng của ngành lâm nghiệp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đảm bảo sinh kế của người dân cũng như bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%. Theo báo cáo của Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Theo nhìn nhận của ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, trong tổng số 14,79 triệu hecta rừng hiện có, thực hiện Luật Lâm nghiệp, chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc đóng cửa rừng tự nhiên, có nghĩa là không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên ít nhất từ nay đến năm 2030, như vậy ít nhất 7 triệu hecta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái, phòng tránh thiên tai, trong 8 triệu hecta còn lại thì có khoảng 4 triệu hecra rừng sản xuất là rừng tự nhiên cũng đang đóng cửa để phục hồi. Dư địa để sản xuất lâm nghiệp đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ nằm ở khoảng 4 triệu hecta rừng trồng.

Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gỗ về chế biến thì nay đã gần như tự chủ được đến 75% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp trong nước. Thành tựu này có được là nhờ công tác giống lâm nghiệp ngày càng được cải tiến, Việt Nam hiện là nước hàng đầu về sản xuất giống keo lai.

Ông Trần Quang Bảo cho rằng, cần dành nhiều quan tâm đến đầu tư hạ tầng lâm nghiệp, rút ngắn khoảng cách từ nhà máy đến vùng nguyên liệu, phát triển các khu chế biến lâm sản quy mô lớn, công nghệ cao. Trong định hướng quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia đều đặt ra mục tiêu hình thành các khu lâm nghiệp công nghệ cao, khu chế biến để tạo động lực cho người dân trồng, phát triển và bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, để tạo thúc đẩy vùng nguyên liệu, tạo động lực cho người dân bằng những chính sách ưu đãi phát triển trồng rừng gỗ lớn, tăng định mức đầu tư phát triển, bảo vệ rừng để đảm bảo người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế từ rừng.

Việt Nam đã tự chủ 75% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp trong nước nhờ trồng rừng – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Việt Nam đã tự chủ 75% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp trong nước nhờ trồng rừng – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát triển giá trị đa dụng của rừng trong nền nông nghiệp xanh bền vững

Việt Nam không nằm ngoài xu thế của thế giới về phát huy các giá trị đa dụng của rừng, giảm thiểu khai thác giá trị trực tiếp, phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng như: dịch vụ lưu giữ và hấp thụ carbon rừng, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý dưới tán rừng..

Nhờ thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên nên có thể khẳng định hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo vệ tương đối nguyên vẹn trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia. Do vậy, việc phát huy giá trị đa dụng của rừng là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, cũng là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Điều này có thể thấy rất rõ qua việc thu dịch vụ môi trường rừng, hiện việc thu dịch vụ môi trường rừng đã đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên nơi có nhiều hệ thống thủy điện bậc thang, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao thu nhập cho các công động, người dân tham gia trực tiếp bảo vệ rừng, góp phần quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển còn hạn hẹp.

Để khai thác giá trị đa dụng của rừng, theo ông Trần Quang Bảo cho biết, việc khai thác các giá trị về du lịch sinh thái là hướng ưu tiên. Bên cạnh đó là các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, nông – lâm kết hợp, tham mưu xây dựng các chính sách việc chi trả tín chỉ carbon rừng để cộng đồng, người dân, các chủ rừng có động lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ các bon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Ông Trần Quang Bảo cho biết, trong thời gian tới, để xã hội hóa nghề rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng, trong Luật Đất đai sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, Bộ NN&PTNT có đề xuất sửa đổi một số điều như cho phép thuê môi trường rừng để trồng dược liệu.

Bộ NN&PTNT cũng tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có đề xuất nâng định mức hỗ trợ người dân bảo vệ rừng. Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho các chính sách đầu tư, phát triển rừng cũng như thu hút các doanh nghiệp trong chế biến lâm sản.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/phat-huy-gia-tri-da-dung-cua-rung-la-mot-xu-the-tat-yeu-102231205074306463.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/628686-phat-huy-gia-tri-da-dung-cua-rung-la-mot-xu-the-tat-yeu.html