Phát huy giá trị di sản văn hóa trên đất Vĩnh Lộc
Vĩnh Lộc nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa miền đồng bằng rộng lớn, trù phú và đồi núi điệp trùng, cao vút phía Tây của tỉnh Thanh. Trải qua biến thiên của vũ trụ và lịch sử tộc người đã mang đến cho miền đất này nhiều di sản văn hóa có giá trị với danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di chỉ khảo cổ, di tích nổi tiếng có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật là tiềm năng để phát triển văn hóa du lịch.
Đàn tế Nam Giao tại Di sản thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Ảnh: Nguyễn Long
Theo điều tra và khảo sát, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc hiện có 147 di tích (61 di tích được xếp hạng: 1 di sản văn hóa thế giới, 14 di tích quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh), trong đó rất nhiều di tích nổi tiếng gắn với phát triển loại hình du lịch tâm linh như: Di chỉ khảo cổ học Đa Bút, Thành Nhà Hồ, đàn tế Nam Giao, đền thờ nàng Bình Khương, đền Lê, phủ Trịnh, nghè Vẹt, chùa Tường Vân, chùa Hoa Long, chùa Thông, chùa Báo Ân, đền Trần Khát Chân, đình Tam tổng, đình Hồ Nam, động Hồ Công, khu lăng mộ Đa Bút...
Vĩnh Lộc là vùng đất trầm tích các lớp văn hóa, tín ngưỡng bản địa của cư dân Việt cổ. Di chỉ khảo cổ học Đa Bút (xã Vĩnh Tân), cồn Mũi Ốc (làng Còng, xã Vĩnh Hưng), di chỉ làng Hang Núi Sen (xã Vĩnh An) đã minh chứng: Con người trên đất Vĩnh Lộc xưa đã từng tồn tại tín ngưỡng thờ trời, đất - mong mưa thuận gió hòa, quốc thái, nhân khang và nâng lên thành nghi lễ trọng thể mang tầm cỡ quốc gia đó là Tế lễ Nam Giao vương triều Hồ dưới chân Đún Sơn mà nền móng phát lộ vừa qua hãy còn hiện hữu. Tục thờ đá, thờ núi ở động Hồ Công, hang Nàng, động Kim Sơn... với niềm mong ước mang lại cho những người tối cổ nguồn sống bằng săn bắn, hái lượm và mái đá, hang động che nắng mưa, giúp họ chống lại thú dữ và duy trì ngọn lửa ấm, xua tan những đêm trường lạnh giá. Từ núi rừng tiến ra các triền sông, do cư trú dọc theo các dòng suối và dòng Mã Giang... để thu nhặt nhuyễn thể và lấy dây rừng làm lưới đánh bắt cá... dần hình thành nên tín ngưỡng thờ nước, để rồi tục thờ mẫu Thoải ra đời không chỉ đối với cư dân làm nghề sông nước mà còn lan tỏa tới cư dân sinh sống trên đôi bờ Mã giang hùng vĩ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải cho đến hôm nay còn đọng lại trong nghi lễ rước nước và âm hưởng của lễ ca và động tác chèo thuyền làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng khi mùa xuân đến, cầu quốc thái dân an, cầu mùa màng và sự bình yên, no đủ: Bồng bềnh, bồng bềnh/ Trên chiếc thuyền rồng/ Tay hoa là cô bẻ lái/ Sóng to là cô vượt ghềnh/ Ơi khoan, hò khoan/ Thuyền cô Ba Thoải/ Lượn dòng sông sâu/ Đây dòng sông Mã/... Trước cảnh Bồng Tiên/ Cô vững tay chèo/ Cho thuyền lướt sóng/ Khoan hỡi, hò khoan...
Tục thờ Mẫu với Tam phủ, Tứ phủ: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải với các lễ thức thiêng liêng, thành kính cùng với âm nhạc và lời ca rộn ràng, lắng đọng, sắc màu lung linh huyền ảo giữa cõi thực và cõi hư trải bao đời luôn sức lay động con tim, khối óc nhiều thế hệ người Việt nói chung, người Vĩnh Lộc nói riêng hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.
Từ tín ngưỡng sơ khai thờ cúng các nhiên thần, người Vĩnh Lộc xưa có lệ tục thờ cúng ông bà tổ tiên - những người sinh thành có công nuôi dạy dòng tộc và cộng đồng. Không chỉ tri ân những người trong dòng tộc, các vị tiên chỉ trong làng, ngoài xã, đã thành đạo lý truyền thống của người Việt, cư dân Vĩnh Lộc luôn thành kính, ghi nhớ công ơn và thờ cúng những người anh hùng có tên và không tên giúp dân dựng làng, lập ấp, đánh giặc bảo vệ quê hương, xã tắc và trở thành lễ tục dân gian hình thành và phát triển trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc diễn ra trên đất Vĩnh Lộc, xứ Thanh. Tín ngưỡng thờ cúng các vị anh hùng dân tộc và của quê hương được thể hiện rõ với hệ thống đền nghè phụng thờ: Phù Đổng Thiên Vương dưới chân núi Sóc, Trần Khát Chân (đình Tam Tổng, đền thờ ở núi Đún, đền thờ Vĩnh Thịnh), thờ Thái úy Trịnh Khả, Hoàng Đình Ái, các chúa Trịnh, nghè Vẹt, Tống Duy Tân, Đường công Lê Quang Lộc, thờ Trịnh Ra, nàng Bình Khương... với nghi thức hát tế thần (hát cửa đình, hát chầu văn)... mang đến cho buổi tế thần vừa linh thiêng, vừa phấn chấn. Cùng với tế lễ, tại những đền miếu này phần hội diễn ra các hoạt động, trò chơi, trò diễn dân gian như: Hát đối đáp trao duyên, trao tình, hát cách sông, múa đèn, múa hát chèo cạn, hát tuồng, hát chèo, hát ca trù... các trò chơi như: Đua thuyền, chọi gà, đu tiên của nam thanh nữ tú, đẩy gậy, kéo co, cờ người, tổ tôm, bài điếm của các bậc cao niên... càng làm phong phú thêm sắc thái văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của miền quê Vĩnh Lộc giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và các giá trị nhân văn độc đáo, hấp dẫn.
Ở vào vị trí chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du miền núi xứ Thanh, xưa có đường thiên lý Bắc Nam đi qua, sông Mã không chỉ chở câu hò và khúc hát “huầy dô” mà còn là đường thủy giao thương quan trọng giữa miền ngược và miền xuôi. Miền đất Vĩnh Lộc Là kinh đô của vương triều Hồ, quê hương của các đời chúa Trịnh, trải bao biến cố thăng trầm, giao lưu và tiếp biến văn hóa, tôn giáo đã mang đến cho miền đất này hầu như hội đủ các tôn giáo lớn như đạo Lão còn lưu dấu ở động Hồ Công, trên vách đá còn in dòng chữ: “Ngọc Hồ động”, “Thanh kỳ khả ái”, “Mặc nhiên cao thanh” cùng những bài thơ của các thi nhân xưa đề trên vách đá càng làm tăng thêm vẻ kỳ ảo, hấp dẫn của động. Đạo Phật (chùa Thông, Tường Vân, Hoa Long, Báo Ân...), Nho giáo (Thành Nhà Hồ, đàn tế Nam Giao), Ky tô giáo (nhà thờ Vĩnh Minh)... các thiết chế tôn giáo: Chùa, đền, quán, am, nhà thờ, thánh thất, văn chỉ, lăng tẩm... gắn chặt với tín ngưỡng dân gian đều tọa lạc ở những nơi cuối sông, đầu núi, địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình, linh nghiệm... là nơi thu hút đông đảo các môn đệ, giáo hữu tìm về thắp hương chiêm bái, hành lễ vãn cảnh... trong không gian thiêng, hòa mình cùng với thiên nhiên, cây cỏ, dòng sông, ngọn núi... để gắn bó, tin yêu hơn giữa cõi đời và cõi thiêng liêng cao vợi.
Nếu lấy Thành Nhà Hồ làm tâm điểm trong hoạt động văn hóa du lịch thì mỗi tảng đá, thước thành, hào nước, nền điện... trong thành cho tới các di tích Đàn tế Nam Giao, đàn Xã tắc, đền thờ nàng Bình Khương, đình Tam tổng... đều mang nặng hồn cốt và dấu ấn của người xưa, khiến du khách không chỉ chiêm nghiệm các công trình kỳ vĩ mà còn hòa vào không gian thiêng, tưởng nhớ, tri ân tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc. Gắn kết giữa Thành Tây Đô với các di tích vệ tinh khu vực phụ cận Thành Nhà Hồ và các di tích vệ tinh (phủ, đền, nghè, chùa...) khai thác và phát huy có hiệu quả sẽ là thế mạnh của du lịch trên đất Vĩnh Lộc mà không phải địa phương nào trên đất tỉnh Thanh cũng có được lợi thế nổi trội ấy.
Tiềm năng, thế mạnh về phát triển văn hóa du lịch của Vĩnh Lộc rất lớn và hãy còn tiềm ẩn, hiện chưa được đánh thức và khai thác, phát huy hiệu quả, chưa trở thành nguồn tài nguyên quý nhằm thu hút du khách và tạo ra nguồn thu cho huyện và cư dân những nơi có các điểm đến tâm linh. Để tiềm năng văn hóa du lịch trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá, giao lưu với bạn bè và du khách, thời gian tới, hoạt động văn hóa du lịch huyện Vĩnh Lộc cần tập trung làm tốt một số công việc trọng tâm như sau:
Làm tốt công tác kiểm kê các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện. Các thắng tích cần được chú ý đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, bảo đảm tính nguyên gốc và sự chân xác của di tích. Phát huy giá trị của các di tích để du khách dâng hương, chiêm bái và nghỉ dưỡng, vãn cảnh. Tham gia những chương trình này, du khách không chỉ được quay về với cội nguồn tâm linh của mình, được khám phá những thánh tích hay không gian tâm linh quý giá mà trong suốt hành trình của chuyến đi du khách được tận hưởng một môi trường tinh khiết, bình an, yêu thương và mở rộng sự giao lưu, quan hệ của mỗi cá nhân với cả cộng đồng.
Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, động Hồ Công, di tích chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân, thắng tích Tiên Sơn... cùng với việc quản lý chặt chẽ, cấm xâm hại, phá vỡ không gian và cảnh quan di tích, bảo đảm môi trường thanh sạch, không bị ô nhiễm, thuận tiện cho khách thập phương đến tưởng niệm, chiêm bái thắng tích.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch trên đất Vĩnh Lộc nói chung, du lịch tâm linh nói riêng với nội dung và nhiều hình thức thiết thực và hấp dẫn. Đào tạo và bồi dưỡng một cách bài bản nguồn nhân lực phục vụ cho công tác văn hóa và du lịch. Từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ theo quy hoạch được duyệt. Phát triển dịch vụ thương mại, dịch vụ - du lịch theo hướng văn minh song vẫn mang đậm chất nhân văn, thanh lịch và hiếu khách của miền đất Tây Đô.
Trên cơ sở điều tra và thống kê di sản văn hóa phi vật thể ở các làng xã trên địa bàn huyện, nghiên cứu khôi phục lễ tế giao (Đàn tế Nam Giao), tế thần nông (xã Vĩnh Long), mở rộng quy mô và nâng cấp lễ hội Rước Bóng và rước nước làng Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng) thành lễ hội vùng và cấp tỉnh; khôi phục và duy trì thường niên nghi lễ hát thờ thần trong lễ hội đền Trần Khát Chân, đình Tam tổng; nghi thức và cung cách hát ca trù Hòe Nhai (làng Tây Đô); lễ hội “Kỳ Phúc” với múa đèn, hát chèo cạn ở làng Cẩm Hoàng (Vĩnh Quang); khôi phục tục kết chạ giữa Cẩm Hoàng với Tây Giai, Cẩm Hoàng với Án Đổ (Thạch Bình, Thạch Thành) trong lễ hội Kỳ Phúc hàng năm vào mùa xuân theo lệ cổ; duy trì hội đua thuyền “xuân thu nhị kỳ” của các làng xã cư trú trên đôi bờ sông Mã...
Xây dựng các tuyến du lịch: Thành Nhà Hồ - Đàn tế Nam Giao - Cung Bảo Thanh (Ly cung) và các điểm di tích liên quan tới vương triều Hồ; hệ thống đền, nghè thờ Trần Khát Chân, thờ Trịnh Ra kéo thành một vệt dài theo dọc triền sông Mã; chùa Giáng - chùa Thông - chùa Báo Ân và động Hồ Công; Thành Nhà Hồ – phủ Trịnh - chùa và động Kim Sơn... làm phong phú tuyến điểm tham quan của du khách tìm về nguồn cội, tri ân tiền nhân... khám phá và hiểu biết các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc mỹ thuật, văn hóa ẩm thực của mỗi làng quê trên đất Vĩnh Lộc thiêng liêng mà thân thiện và mến khách.
Là quê hương của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ với nhiều di tích lịch sử, văn hóa phong phú và danh lam thắng cảnh đẹp - “tài nguyên” để phát triển du lịch một cách bền vững. Để di sản văn hóa trên đất Vĩnh Lộc có sức hấp dẫn du khách và trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi cần phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội của từng người dân nơi đây và cả cộng đồng thì văn hóa - nguồn lực để phát triển du lịch mới phát huy và mang lại hiệu quả đích thực.