Phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Phố Hiến
Nằm trong dòng chảy của lịch sử, mảnh đất Hưng Yên với những lớp trầm tích văn hóa mang đặc trưng vùng đất “Phố Hiến” xưa đã và đang được gìn giữ trong kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Đó là một khối lượng lớn văn hóa vật thể và phi vật thể rất giá trị, độc đáo với hơn 1.800 di tích, hàng chục làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống đặc sắc, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng như: Hát chèo, ca trù, trống quân... với những âm hưởng dân gian, say đắm lòng người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Khi khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa không chỉ thu được nguồn lợi kinh tế trực tiếp, giải quyết việc làm mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam, con người Phố Hiến và Hưng Yên ngày nay.
Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu). Ảnh: TƯ LIỆU
Thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 15.8.2014 về thực hiện Nghị quyết số 33.
Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 33 được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện là tập trung thực hiện quy hoạch, lập hồ sơ xếp hạng và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị di sản văn hóa phi vật thể... góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc. Tỉnh đã hoàn thành việc kiểm kê hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh với 1.802 di tích các loại. Trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh và 5 bảo vật quốc gia; cùng với các làng nghề truyền thống nổi tiếng và hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, tỉnh đã thực hiện việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường; nhằm làm tăng tính hấp dẫn, đa dạng của các sản phẩm du lịch di sản văn hóa; tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa khai thác các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan du lịch văn hóa với các điểm du lịch sinh thái của tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 200 di tích, cụm di tích được đầu tư tu bổ với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng; trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 102 tỷ đồng. Các di tích, nhà lưu niệm trọng điểm được đầu tư xây dựng như: Nhà lưu niệm lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên và Liệt sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Thị Kính (thị xã Mỹ Hào); Đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám (Tiên Lữ); Đền thờ Triệu Việt Vương (Khoái Châu); Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình (Yên Mỹ); Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (thành phố Hưng Yên)...
Cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, tỉnh cũng đẩy mạnh việc khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian. Toàn tỉnh hiện có trên 400 lễ hội được duy trì hàng năm, nhiều lễ hội được phục dựng cả về quy mô và tính chất, giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng. Các trò chơi, các hội thi mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp như: Lễ hội cầu mưa, rước nước, kéo co... Đặc biệt, Hưng Yên là một trong số ít tỉnh còn gìn giữ được hát ca trù, loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; hát trống quân Hưng Yên được vinh danh là loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc điều hành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Từ các chương trình khai thác giá trị các di sản văn hóa đã và đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế như: Thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, mở ra nhiều dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động…
Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa giá trị các di sản văn hóa, bản sắc con người Hưng Yên thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn di sản văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, các quy chế, quy định có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên các lĩnh vực quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích, lễ hội, bảo vệ cổ vật; chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá rộng rãi về giá trị di sản văn hóa của tỉnh để thu hút du khách trong nước và quốc tế; xác định rõ các giá trị văn hóa tiêu biểu đặc trưng của tỉnh cần được bảo vệ và phát huy; tạo điều kiện để nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội góp phần xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.