Phát huy giá trị nghi lễ Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn
Nghi lễ Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt của người Pà Thẻn.
Theo nghệ nhân, thầy cúng Phù Văn Thành, người Pà Thẻn thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, nhảy lửa tiếng Pà Thẻn gọi là “pò dí”. Phẩm vật trong Lễ Nhảy lửa chỉ đơn giản là một bát nước lã để trên bàn thờ. Ngoài ra còn có mâm lễ nhỏ với lễ vật là một chiếc thủ lợn hoặc một con lợn nhỏ.
Phần lễ cúng khá ngắn gọn với 3 bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn trình bày rõ với thần linh về lý do của buổi Lễ. “Lý do phải mang ý nghĩa tốt đẹp như lễ tạ ơn, lễ cúng lúa mới, giải hạn, chữa bệnh cho dân bản... mới mời được thần về. Thầy cúng phải mời 28 vị thần tất cả, trong đó, quan trọng nhất là thần lửa”, ông Phù Văn Thành nói.
Mặc dù so với nhiều nghi lễ khác thì Nhảy lửa là nghi lễ được tổ chức khá giản đơn, nhẹ nhàng từ lễ vật đến bài cúng, nhưng muốn lễ Nhảy lửa thành công, hiệu quả thì từ người làm lễ đến người nhảy lửa phải có tâm sáng, lòng thành mới được thần lửa “độ”.
Theo quan sát của phóng viên, để chuẩn bị lễ Nhảy lửa, ngay từ buổi chiều, đồng bào Pà Thẻn đã mang củi về đốt ở ngoài sân và phải được nhóm lên từ lửa của chiếc đèn trên mâm lễ. Bởi, người Pà Thẻn quan niệm, đó là ngọn lửa thiêng, nơi ngự trị của thần lửa.
Đặc biệt, khi làm lễ, thầy cúng và những người tham gia lễ cúng phải nhập tâm, đầu lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ. Người Pà Thẻn tin rằng, lúc này họ đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để trò chuyện với các vị thần.
“Khi thần nhập vào người, tôi có cảm giác rất lạnh và nhìn thấy lửa là rạo rực muốn lao vào. Càng nhảy vào lửa thì lại càng thấy sảng khoái, dễ chịu và ấm người. Khi tôi nhảy nhắm mắt và được thần dẫn đi nên bản thân không biết là khi đó đang lao vào đống lửa”, một người dân tham gia Nhảy lửa cho biết.
“Người Pà Thẻn quan niệm, Nhảy lửa là cho thánh tắm nước. Lửa tượng trưng cho khỏa nước, nghịch nước; lăn qua lửa là tắm nước, cho than hồng vào miệng là uống nước. Người nhảy lửa được thần linh chấp nhận, da thịt hoàn toàn không có vết bỏng, thậm chí đầu tóc cũng không có một vệt cháy xém nào. Lửa lúc ấy là “nước”, nên nước thậm chí không khiến quần áo bốc cháy”, thầy cúng Phù Văn Thành lý giải về sự kỳ bí, linh thiêng của lễ Nhảy lửa.
Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường bắt đầu từ ngày 16/10 âm lịch cho đến hết năm. Cũng thời điểm này,thầy cúng bắt đầu làm lễ truyền nghề cho những ai muốn học và tất cả nam giới người Pà Thẻn đều có thể học nghề. Tuy nhiên, để tìm được một người “kế nghiệp” không nhề đơn giản. Bởi theo thầy cúng Phù Văn Thành: “Nghi lễ linh thiêng này đòi hỏi người thầy cúng phải thông thạo tất cả các nghi lễ khác với hàng trăm bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn”. Nhiều đàn ông Pà Thẻn đã thuộc lòng các bài cúng, nhưng không có duyên, không được thần chọn thì không thể mời thần về trong dịp nhảy lửa, đồng nghĩa thợ nhảy không vào lửa được.
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Quang Phù Đức Lâm, trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn quan niệm có các vị thần che chở, giúp đỡ. Lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu vói khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn. Tuy nhiên, do một thời gian khá dài nghi lễ Nhảy lửa bị cấm nên có nguy cơ mai một. Năm 2008, khi ngành Văn hóa tỉnh Tuyên Quang và chính quyền huyện Lâm Bình khôi phục lại, nghi lễ Nhảy lửa mới được phục hồi.
“Khi đó, thầy cúng Húng Văn Hin là thầy cũng duy nhất làm chủ lễ, trước khi mất ông đã kịp truyền lại nghề cho học trò Phù Văn Thành. Hiện nay, thầy cúng Phù Văn Thành cũng là người duy thường xuyên làm chủ nghi lễ Nhảy lửa ở thôn Thượng Minh”, ông Phù Đức Lâm cho hay.
Hằng năm, thầy cúng Phù Văn Thành mở lớp truyền dạy nghề cúng miễn phí với khoảng 10 - 12 học trò đến theo học. Ông đã có 2 học trò trẻ tuổi là Lý Văn Trụ và Húng Văn Tám được làm lễ Cấp sắc và có thể làm thầy cũng.
Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa, tổ chức truyền dạy, nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Phù Văn Thành cho biết: “Nhờ phát triển nghi lễ nhảy lửa, cuộc sống của bà con nhộn nhịp hơn hẳn. Một số đoàn khách du lịch đã đến thôn Thượng Minh thuê homestay để chụp ảnh, xem nhảy lửa, trải nghiệm dệt thổ cẩm, trải nghiệm làm nông cùng bà con, ra suối bắt cá… Nhờ đó, đồng bào Pà Thẻn có nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn trước”.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, khôi phục các nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, thời gian qua, UBND xã Hồng Quang đã chú trọng công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch như nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thực hành nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con.
Ông Phù Đức Lâm chia sẻ, việc quan tâm dạy nghề cho người dân tộc thiểu số gắn với những nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là rất phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác. Việc bảo tồn và phát huy nghi lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho huyện Lâm Bình phát triển du lịch cũng như tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào.