Phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ

Ninh Bình sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, có giá trị độc đáo, với nhiều lớp văn hóa kéo dài từ thời đồ đá đến ngày nay, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái đa dạng. Các nguồn lực, tài nguyên về văn hóa và thiên nhiên này đang được quan tâm, bảo tồn thông qua việc thực hiện các chính sách, đề án, kế hoạch, dự án bảo tồn di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Lễ Rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Lễ Rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Ninh Bình thời nào cũng để lại dấu ấn lịch sử, văn hóa sâu đậm. Đó là gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 400 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay.

Cách đây ba vạn năm, Ninh Bình đã là nơi cư trú của người tiền sử, một trong những nơi có con người sinh sống sớm nhất ở khu vực đồng bằng Sông Hồng, mà dấu tích còn lưu lại ở các di chỉ khảo cổ học. Trong thời kỳ Bắc thuộc, Ninh Bình tồn tại một Châu trị lớn, đồng thời, là nơi ghi dấu nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập của người Việt.

Ninh Bình tự hào là Kinh đô Nhà nước Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta ở thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại ĐinhTiền Lê-Lý với các dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc. Với vai trò là Kinh đô của Nhà nước Đại (Cồ) Việt trong 42 năm (968-1010), Hoa Lư đã đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước Đại Việt vững bền, phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử. Ninh Bình là quê hương của Vua Đinh Tiên Hoàng, Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không, Thái phó Trương Hán Siêu, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Thượng thư Phạm Thận Duật…

Qua các thời kỳ lịch sử, nhiều anh hùng, danh nhân, nhà quân sự, khoa học, chính trị, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ người Ninh Bình có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình để phát triển kinh tế-xã hội, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều năm trở lại đây, Ninh Bình luôn coi trọng các nguồn lực văn hóa, coi đó như là một trong những sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị, nguồn lực văn hóa, truyền thống tốt đẹp của ông cha là một nhiệm vụ quan trọng để di sản văn hóa có sức lan tỏa và hội tụ, tạo thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tài nguyên di sản văn hóa vật thể

Các giá trị di sản văn hóa vật thể của Ninh Bình như hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các di vật, cổ vật… phong phú, đa dạng và đặc sắc mà con người Ninh Bình tạo dựng và gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa của Ninh Bình, từ lâu đã trở thành niềm tự hào chung của người dân Ninh Bình, thể hiện bản sắc của Ninh Bình đối với các địa phương khác trong cả nước và trên bình diện quốc tế.

Tỉnh Ninh Bình hiện có 1821 di tích được phân bố đều khắp các xã, phường, thị trấn. Trong đó, đã có 405 di tích được xếp hạng, gồm 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, 3 di tích quốc gia đặc biệt (Cố đô Hoa Lư; Khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động; núi Non Nước); 78 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 324 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đó là những di tích ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, của dân tộc, đồng thời phản ánh đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân Ninh Bình qua các giai đoạn lịch sử.

Với địa thế là nơi tiếp giáp giữa ba vùng địa lý, địa hình đa dạng, nơi diễn ra các hoạt động kiến tạo địa chất, thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình hệ thống danh lam thắng cảnh độc đáo và có giá trị nổi bật tầm quốc gia, quốc tế, như: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; danh thắng quốc gia đặc biệt Tam Cốc-Bích Động, núi Non Nước; Vườn quốc gia Cúc Phương, động Địch Lộng, động Vân Trình, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước nóng Kênh Gà, động Thiên Hà, hồ Yên Thắng… Những danh lam thắng cảnh đã và đang được Ninh Bình bảo vệ, khai thác để phát triển du lịch, phục vụ Nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất đa dạng, giàu giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 1 di tích khảo cổ Mán Bạc (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) được xếp hạng cấp tỉnh. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An đã phát hiện 30 địa điểm khảo cổ có dấu tích cư trú của con người tiền sử; di chỉ Thung Lang (Tam Điệp), hang Đăng Đắng (Cúc Phương)… Sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng qua hàng nghìn năm đã để lại cho Ninh Bình nguồn di vật, cổ vật đồ sộ, có giá trị khoa học, thẩm mỹ đặc sắc, trong đó nổi bật là 6 hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ngoài ra, Ninh Bình còn lưu giữ kho tàng đồ sộ về tư liệu di sản, bao gồm hàng ngàn văn bia, sắc phong, thần tích-thần phả, địa bạ, hương ước, ván khắc in kinh, hoành phi câu đối, gia phả... đang được lưu trữ trong các đền, chùa, miếu phủ, bảo tàng, tư gia, từ đường dòng họ... Các di tích và danh thắng được các cấp chính quyền và Nhân dân quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, là bằng chứng khẳng định mạch nguồn lịch sử và văn hóa lâu đời của Ninh Bình, là điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng của người dân địa phương. Một số di tích và danh thắng tiêu biểu đã trở thành điểm đến của đông đảo Nhân dân và du khách trong nước, quốc tế, mở ra cơ hội để Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh khá phong phú về số lượng và loại hình. Toàn tỉnh hiện có 393 di sản văn hóa phi vật thể; có 9 di sản đã được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Ninh Bình như: Nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo, hát Văn, trống nhảy; các lễ hội truyền thống như lễ hội Hoa Lư, lễ hội Đền Thái Vi, lễ hội đền Bình Hải, lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, lễ hội đền thờ Nguyễn Công Trứ..; các làng nghề truyền thống như: Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cói Kim Sơn, gốm sành Gia Thủy, gốm Bồ Bát, thêu ren Ninh Hải..; các giá trị văn hóa của người Mường; các huyền tích, huyền sử, địa danh, ca dao-tục ngữ...

Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, việc xây dựng văn hóa ứng xử, lối sống của mỗi con người cũng là yếu tố không thể xem nhẹ để thành phố Hoa Lư và tương lai không xa là thành phố Ninh Bình trực thuộc Trung ương được biết đến là thành phố di sản, thành phố du lịch thân thiện, hiếu khách.

Do đó, có thể nói, để phát triển du lịch tựa vào nền tảng di sản và văn hóa, chúng ta cần tạo ra sự khác biệt, lan tỏa những giá trị tốt đẹp về con người. Tài nguyên, nguồn lực văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa của Ninh Bình rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang bản sắc của vùng đất Cố đô, là tiềm năng để có thể biến di sản thành tài sản, đồng thời xây dựng, quảng bá giá trị di sản văn hóa riêng biệt, đặc trưng của Ninh Bình, góp phần định dạng bản sắc, xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nguồn lực văn hóa ở Ninh Bình

Ninh Bình xác định mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ xứng tầm với vị thế, tầm vóc lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Để bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo, tiềm năng, lợi thế riêng có về nguồn lực văn hóa, hướng tới xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm đến việc phát triển bền vững, hài hòa, kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tập trung vào một số giải pháp như: Khai thác, phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, động lực nhằm xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và quốc tế.

Phát huy sức mạnh mềm thông qua hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đô thị di sản, các trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản và hệ thống đổi mới sáng tạo toàn cầu. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng Đô thị di sản, lấy bảo tồn di sản làm nhiệm vụ cốt lõi, lấy xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương làm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn di sản. Thường xuyên thực hiện nghiên cứu khoa học, điều tra, kiểm kê, phân loại các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh để đánh giá nguồn tài nguyên văn hóa, tiến tới xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên cơ sở đề cao tính khoa họcnghệ thuật để ứng dụng nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm của nền kinh tế một cách có bản sắc.

Xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Khai thác các nguồn lực văn hóa, nhất là hệ thống di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa của vùng, quốc gia và quốc tế, cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn; có đóng góp ngày càng quan trọng vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, tăng thu ngân sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy hiệu quả tài nguyên di sản, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giáo dục truyền thống lịch sử-văn hóa, quảng bá, lan tỏa các giá trị đặc sắc của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; hội nhập sâu vào chuỗi giá trị kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí trên thế giới.

Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và khai thác giá trị phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh nhằm vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, vừa đạt mục tiêu phát triển bền vững. Coi trọng hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Nâng cao hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích; bảo tồn, khôi phục di sản văn hóa phi vật thể nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Có thể nói, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà người Ninh Bình tạo dựng và gìn giữ qua hàng ngàn năm là bằng chứng khoa học rõ ràng nhất cho lịch sử phát triển của vùng đất Cố đô xưa, tạo nền tảng cho xây dựng một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và quốc tế.

Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa địa phương để xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Việc Ninh Bình lựa chọn phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ ở thời điểm hiện nay là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn cũng như các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tếxã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, về quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương có di sản Cố đô, sở hữu danh hiệu di sản thế giới của Tổ chức UNESCO.

Nguyễn Mạnh Cường
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-gia-tri-va-nguon-luc-van-hoa-trong-xay-dung-do-thi-681009.htm