Phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp, Nghệ An, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Trong tiến trình phát triển bền vững đất nước, văn hóa luôn được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đối với các dân tộc thiểu số, văn hóa không chỉ là bản sắc, cội nguồn mà còn là tài sản vô giá góp phần tạo nên sức mạnh cộng đồng, giữ gìn sự ổn định và phát triển bền vững.
Đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là một trong những cộng đồng có đời sống văn hóa phong phú, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, lao động sản xuất và truyền thống đạo lý tốt đẹp. Trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình hội nhập và phát triển đang diễn ra mạnh mẽ, việc khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ của đồng bào dân tộc Thổ không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bảo tồn bản sắc mà còn là giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội hài hòa và bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Thổ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa và sự thay đổi trong nhận thức, lối sống của một bộ phận người dân. Trước thách thức đó, cần có những cách tiếp cận mới, toàn diện và phù hợp để bảo tồn, phát triển văn hóa một cách sống động, gắn liền với đời sống thực tiễn của đồng bào, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ảnh minh họa Internet
1. Những giá trị văn hóa nổi bật của đồng bào Thổ ở Quỳ Hợp, Nghệ An
Dân tộc Thổ là một trong những cộng đồng cư trú lâu đời tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, nơi được mệnh danh là vùng đất “trên vàng dưới quặng”. Trải qua nhiều thế hệ sinh sống và phát triển, đồng bào dân tộc Thổ đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc, mang đậm dấu ấn bản địa và kết tinh những giá trị nhân văn sâu sắc. Những giá trị nổi bật trong đời sống văn hóa của người Thổ không chỉ thể hiện trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian mà còn được gìn giữ và lan tỏa qua các mối quan hệ cộng đồng, lối sống, tri thức bản địa gắn liền với thiên nhiên và lao động sản xuất.
Một trong những giá trị văn hóa nổi bật nhất của người Thổ ở Quỳ Hợp là ngôn ngữ và tri thức dân gian. Mặc dù hiện nay tiếng Thổ đã và đang bị mai một dần do ảnh hưởng của quá trình giao lưu văn hóa và sự hội nhập sâu rộng, song trong đời sống hàng ngày, nhiều từ ngữ, cách phát âm và câu chuyện cổ tích, tục ngữ, thành ngữ bằng tiếng Thổ vẫn được người già truyền lại cho con cháu như một phần ký ức văn hóa dân tộc. Tri thức dân gian của người Thổ thể hiện đậm nét qua những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, săn bắt, hái lượm, chăn nuôi và chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Những tri thức ấy là kết quả của quá trình tích lũy lâu dài, gắn bó mật thiết với điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái của vùng trung du miền núi.
Bên cạnh đó, người Thổ ở Quỳ Hợp còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán độc đáo thể hiện trong các nghi lễ vòng đời như lễ cưới, lễ tang, lễ mừng thọ và lễ cúng tổ tiên. Trong lễ cưới truyền thống, người Thổ có nghi thức "dạm ngõ", "ăn hỏi", "rước dâu" với nhiều nét riêng như hát giao duyên, múa rối, các điệu hát đối giữa trai gái trong làng. Các lễ nghi này không chỉ mang tính nghi thức mà còn thể hiện mối quan hệ đậm tính cộng đồng, đề cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các gia đình, dòng tộc và cộng đồng làng bản. Trong lễ tang, người Thổ đặc biệt coi trọng việc tiễn đưa người đã khuất về “thế giới bên kia” một cách trang nghiêm, chu đáo, thể hiện lòng hiếu kính và niềm tin vào sự tiếp nối giữa các thế hệ. Vì vậy, khi đến Quỳ Hợp, ngoài ấn tượng với trang phục truyền thống, còn có được nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng Thổ với dân ca, dân vũ; lễ hội; phong tục tập quán trong văn hóa cộng đồng và các ngành nghề truyền thống... Đối với dân ca, dân vũ, cho đến nay, trong đời sống lao động sản xuất, người Thổ vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, như: làn điệu Dạ ơi; Tang khang lẻ; Khai khai rế; Tập tính tập tang; Hát giao duyên; Đối đáp; Ta ta tún;...
Một khía cạnh quan trọng khác trong văn hóa Thổ chính là tín ngưỡng dân gian và đời sống tâm linh. Người Thổ tin vào “Mẹ đất”, “Thần núi”, “Thần rừng”, “Thần sông”, và tổ tiên, những thế lực thiêng liêng bảo hộ cuộc sống, mùa màng và sức khỏe của con người. Tín ngưỡng này thể hiện qua các lễ hội nông nghiệp như lễ mừng lúa mới, lễ cúng rừng, lễ cầu mưa,… được tổ chức định kỳ trong năm. Đặc biệt, lễ hội Cầu mùa là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Những lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật dân gian, thi đấu thể thao truyền thống và thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Trang phục truyền thống cũng là một biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa Thổ. Trước kia, phụ nữ Thổ thường mặc váy dài, áo ngắn, yếm thêu hoa văn hình học đơn giản nhưng tinh tế, đội khăn vấn và đeo các loại trang sức làm từ bạc hoặc đồng. Mặc dù hiện nay trang phục truyền thống không còn được sử dụng phổ biến trong đời sống thường nhật, nhưng trong các dịp lễ hội, ngày trọng đại, người Thổ vẫn giữ gìn và mặc trang phục dân tộc như một cách thể hiện lòng tự hào và sự tôn kính với tổ tiên, văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, nét độc đáo của văn hóa đồng bào Thổ ở Quỳ Hợp, không thể không nhắc đến âm nhạc, nghệ thuật dân gian và ẩm thực truyền thống, vốn là những yếu tố góp phần làm nét phong phú trong đời sống tinh thần của người Thổ. Các làn điệu dân ca như hát ví, hát đúm, hát ru được lưu truyền qua nhiều thế hệ với lời ca mộc mạc, sâu lắng, phản ánh tình cảm, tâm hồn và triết lý sống của người dân nơi đây. Nhạc cụ dân tộc thường thấy gồm sáo trúc, khèn, chiêng, là những công cụ thể hiện nghệ thuật dân gian trong các dịp lễ hội. Về ẩm thực, người Thổ nổi tiếng với các món ăn như cơm lam, thịt nướng ống tre, canh lá đắng, xôi ngũ sắc, rượu cần… không chỉ mang hương vị đặc trưng mà còn thể hiện sự sáng tạo và tính cộng đồng trong chế biến, thưởng thức.
Cuối cùng, một trong những giá trị nổi bật và có sức sống lâu bền của văn hóa Thổ chính là tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và lối sống gắn bó cộng đồng. Trong đời sống thường nhật, người Thổ luôn đề cao các giá trị đạo đức như kính trên nhường dưới, tôn trọng người già, yêu thương trẻ nhỏ, sống hòa thuận, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Lối sống này đã và đang trở thành một nền tảng quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa mới, phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được “gốc” văn hóa truyền thống.
2. Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp, Nghệ An hiện nay
Cùng với mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa mới văn minh, tiến bộ, vừa lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tích cực vừa tiếp thu học hỏi những giá trị văn hóa mới của thời đại. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.
Về bảo tồn các trang phục dân tộc. Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ là một phần quan trọng trong di sản văn hóa, thể hiện bản sắc dân tộc, lối sống và thẩm mỹ độc đáo của cộng đồng. Trải qua thời gian, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, trang phục truyền thống của đồng bào Thổ đang dần bị mai một. Do đó, việc bảo tồn trang phục dân tộc Thổ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa và chính cộng đồng người Thổ nên việc gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc Thổ đã đạt được kết quả tích cực. Trong tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, khuyến khích mặc trang phục trong dịp đặc biệt, đưa trang phục vào chương trình giáo dục địa phương, và hỗ trợ nghệ nhân duy trì nghề dệt vải, thêu thùa. Ngoài ra, việc sáng tạo, cách tân trang phục truyền thống để phù hợp với đời sống hiện đại cũng là một hướng đi hiệu quả của Quỳ Hợp để bảo tồn mà vẫn tạo được sức hút với thế hệ trẻ. Bởi vì, công tác bảo tồn trang phục không chỉ là giữ gìn hình thức, mà còn là lưu giữ tâm hồn, bản sắc và niềm tự hào của dân tộc Thổ. Đến nay, toàn huyện đã có 1020/2023 chị em hội viên hội phụ nữ đã có đồ trang phục dân tộc; hội viên hội Người cao tuổi đã có đồ trang phục dân tộc 539/850 .
Về bảo tồn và phát huy văn hóa văn nghệ và các môn thể thao dân tộc. Tổ chức tham gia trình diễn thành công chương trình của Nghệ nhân đồng bào dân tộc Thổ tại buổi khai mạc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” vào ngày 17/5/2022 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Phát triển các Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cộng đồng (hiện nay địa bàn huyện có 3 câu lạc bộ, trong đó có 2 Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ được công nhận cấp tỉnh). Các Câu lạc bộ đã từng bước đổi mới phương thức sinh hoạt, tích cực sưu tầm bổ sung các nội dung mới, làm tốt công tác bồi dưỡng các hạt nhân trẻ, thu hút thêm mỗi Câu lạc bộ có từ 4-8 hội viên/năm; xây dựng từ 4-5 chương trình văn hóa văn nghệ tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ, các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện và xã đảm bảo theo kế hoạch hàng năm.
Về bảo tồn các món ăn và các bài thuốc gia truyền dân tộc. Vào các ngày lễ của quê hương, đất nước, tiếp các đoàn khách, các lễ hội bốc Mó, lễ dâng hương đền Mó tổ chức trưng bày và bán ẩm thực về các món dân tộc Thổ như: bánh trốc chó, canh bưa, chẻo cà, canh môn da trâu… Đặc biệt, trong bữa cơm gia đình người Thổ thì luôn giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình. Cùng với đó, là việc quan tâm lưu giữ các bài thuốc Nam gia truyền dân tộc thổ trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng và quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Chính quyền địa phương phối hợp với các thầy lang làm việc với các đoàn làm phim của huyện và tỉnh chiếu phóng sự, tư liệu về các bài thuốc gia truyền để thuyết trình trong các cuộc hội thảo về bảo tồn giá trị dân tộc.
Về bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng. Các thiết chế văn hóa tâm linh như đình, đền, miếu, nhà thờ tổ… đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Thổ. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là không gian lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện niềm tin, đạo lý và bản sắc văn hóa riêng biệt của dân tộc. Chính có sự chung tay của chính quyền, các nhà nghiên cứu văn hóa, và đặc biệt là cộng đồng người Thổ trong việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các công trình tâm linh; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa và giá trị của chúng. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian một cách đúng đắn, trang nghiêm đã góp phần làm sống lại không gian văn hóa tâm linh, giữ gìn hồn cốt dân tộc, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho phát triển văn hóa bền vững trong cộng đồng dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp trong thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sự lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Những hạn chế này xuất phát từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc hơn từ các cấp, ngành và cộng đồng địa phương.
Một trong những hạn chế lớn nhất là sự mai một dần của các giá trị văn hóa truyền thống do quá trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa. Nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Thổ như ngôn ngữ, trang phục truyền thống, các lễ hội dân gian, tín ngưỡng và làn điệu dân ca đang dần bị lãng quên. Thế hệ trẻ người Thổ ngày càng ít quan tâm đến việc học hỏi và thực hành những phong tục tập quán của dân tộc mình. Lối sống hiện đại, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông đại chúng khiến họ dần xa rời cội nguồn văn hóa dân tộc. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, vì khi thế hệ kế cận không còn mặn mà với di sản văn hóa, việc bảo tồn sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa người Thổ ở Quỳ Hợp còn mang tính rời rạc, thiếu hệ thống. Nhiều nét văn hóa phi vật thể chưa được ghi chép, lưu trữ đầy đủ. Một số lễ hội truyền thống chỉ còn tồn tại ở dạng hồi ức hoặc chỉ được tổ chức mang tính hình thức, không còn giữ được ý nghĩa nguyên gốc. Việc phục dựng văn hóa cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu tài liệu nghiên cứu và đội ngũ am hiểu chuyên sâu về văn hóa dân tộc Thổ. Ngoài ra, hạn chế về nguồn lực đầu tư cũng là một nguyên nhân quan trọng. Kinh phí dành cho các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa dân tộc còn ít, phân bổ chưa hợp lý. Nhân lực làm công tác văn hóa ở cơ sở phần lớn là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn sâu, dẫn đến hiệu quả triển khai các hoạt động bảo tồn không cao. Nhiều nơi vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tuy đã có nhưng còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu. Việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế gắn với văn hóa bản địa vẫn chưa được triển khai hiệu quả với người Thổ. Nếu không có sự hỗ trợ đúng hướng, lâu dài và thiết thực, thì di sản văn hóa có nguy cơ tiếp tục bị mai một theo thời gian.
Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Thổ đang cần một chiến lược rõ ràng, đồng bộ và bền vững hơn. Việc huy động sự tham gia của chính người dân, đặc biệt là giới trẻ, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức xã hội là yếu tố then chốt để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc Thổ trong dòng chảy văn hóa Việt Nam đa dạng và thống nhất.
3. Giải pháp phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp, Nghệ An, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển dịch kinh tế - xã hội sâu rộng như hiện nay, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đóng vai trò như một nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững. Để khơi dậy và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa của đồng bào Thổ, cần triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa dân tộc. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong cộng đồng người Thổ, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây là bước đi nền tảng nhằm xây dựng ý thức tự tôn, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm chủ động trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chính quyền địa phương có thể phối hợp với các trường học, tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ, hội người cao tuổi… để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa dân gian, từ đó tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa gần gũi và hấp dẫn đối với giới trẻ.
Thứ hai, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Một trong những giải pháp cốt lõi là tiến hành khảo sát, sưu tầm, bảo tồn và phục dựng các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao của người Thổ. Các làn điệu dân ca, phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, nghề thủ công, tri thức bản địa,… cần được hệ thống hóa, ghi chép, số hóa và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ thông qua lớp học cộng đồng, câu lạc bộ dân gian, hoặc đưa vào chương trình giáo dục địa phương. Việc thành lập các đội văn nghệ dân tộc Thổ tại các xã, bản cũng là một cách thiết thực để lưu giữ và phát huy di sản văn hóa trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở tại các bản làng người Thổ như nhà văn hóa cộng đồng, thư viện bản, sân khấu ngoài trời, không gian trình diễn nghệ thuật dân gian,... Đây là những nơi vừa phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao, vừa là địa điểm tổ chức các sự kiện lễ hội, trình diễn dân ca, giới thiệu sản phẩm văn hóa du lịch. Đồng thời, cần đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông, điện nước,… để nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với văn hóa.
Thứ ba, gắn kết văn hóa truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng. Một hướng đi hiệu quả hiện nay là kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng. Huyện Quỳ Hợp sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, làng bản yên bình và đặc biệt là kho tàng văn hóa dân tộc Thổ độc đáo, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Cần xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Thổ như tour tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm lễ hội dân gian, học cách chế biến món ăn đặc sản, thưởng thức dân ca Thổ,... Việc phát triển du lịch không chỉ tạo điều kiện để quảng bá văn hóa dân tộc ra bên ngoài, mà còn mở ra cơ hội sinh kế mới cho người dân bản địa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Thứ tư, tăng cường chính sách, cơ chế hỗ trợ từ nhà nước và địa phương phát triển sản phẩm văn hóa gắn với OCOP và thị trường. Vai trò của nhà nước và chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Cần có chính sách cụ thể, dài hạn về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Thổ, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển du lịch. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn văn hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân tâm huyết. Việc bố trí ngân sách hợp lý, hỗ trợ đào tạo nhân lực văn hóa du lịch tại chỗ, ưu tiên phát triển kinh tế gắn với văn hóa dân tộc sẽ là đòn bẩy giúp phát huy giá trị văn hóa trở thành động lực phát triển. Một giải pháp thiết thực khác là hỗ trợ người dân tộc Thổ phát triển các sản phẩm văn hóa đặc trưng thành hàng hóa có giá trị, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Ví dụ, các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ ăn truyền thống như cơm lam, rượu cần, canh lá đắng,... có thể được phát triển thành thương hiệu đặc sản địa phương, quảng bá ra thị trường trong và ngoài nước. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, truyền thông, bao bì, nhãn hiệu, đồng thời tạo điều kiện để người dân tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Có thể thấy rằng, văn hóa dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp là một di sản sống mang giá trị nhân văn sâu sắc, có tính bền vững và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng. Việc nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nổi bật này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn là chìa khóa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát huy nội lực trong quá trình hội nhập, phát triển bền vững của địa phương. Do đó, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn di sản mà còn là giải pháp chiến lược để khai thác tiềm năng nội sinh, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, linh hoạt giữa nhà nước, địa phương, cộng đồng và các bên liên quan, để văn hóa thực sự trở thành “chìa khóa vàng” trong sự nghiệp phát triển toàn diện vùng miền núi Nghệ An./.