Phát huy hệ giá trị văn hóa trong phát triển đất nước Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc 'Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới' có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Trích đoạn nghi lễ “Tra hạt làm lễ cầu mưa” - một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của dân tộc Khơ Mú, mang đậm văn hóa dân gian trong cộng đồng các dân tộc tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Ngọc Lâm

Trích đoạn nghi lễ “Tra hạt làm lễ cầu mưa” - một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của dân tộc Khơ Mú, mang đậm văn hóa dân gian trong cộng đồng các dân tộc tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Ngọc Lâm

Xác định hệ giá trị văn hóa

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Luận giải về hệ giá trị văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích: “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam được thể hiện ở một số giá trị như: Giá trị dân tộc được phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc.

Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại. Giá trị dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng.

Người dân vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo, là người hưởng thụ các giá trị văn hóa. Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa. Giá trị khoa học hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Nhìn văn hóa từ góc độ thực hành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu văn hóa lại cho rằng: Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến, tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.

Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng đất nước

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải xác định đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông.

Tái hiện nghi lễ “Mở cửa rừng” của dân tộc Mường tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Ngọc Lâm

Tái hiện nghi lễ “Mở cửa rừng” của dân tộc Mường tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Ngọc Lâm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Cần phải tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, tham khảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại. Chúng ta vừa bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, vừa tiếp thu ý kiến của giới trí thức tinh hoa; vừa dựa trên các quan điểm lý thuyết, vừa phải bám sát tình hình thực tiễn, trưng cầu, lắng nghe ý kiến nhân dân, đáp ứng với ý chí và kỳ vọng của tầng lớp lãnh đạo, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội.

“Cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật..., có tác dụng giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn đề xuất.

Chia sẻ những giải pháp trọng tâm để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về vai trò của việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, coi đây là một nhiệm vụ cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Nhiệm vụ này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất của dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-he-gia-tri-van-hoa-trong-phat-trien-dat-nuoc-viet-nam-post458320.html