Phát huy hiệu quả đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Bài cuối: Không chỉ để trải nghiệm

Theo quy hoạch tới năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có 9 tuyến với tổng chiều dài 410,8 km, cùng hàng trăm nhà ga.

Người dân Thủ đô xếp hàng, háo hức đến trải nghiệm tàu Cát linh - Hà Đông sáng 6/11/2021. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Người dân Thủ đô xếp hàng, háo hức đến trải nghiệm tàu Cát linh - Hà Đông sáng 6/11/2021. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Kết nối giao thông với tuyến đường sắt đang là một trong những vấn đề được đặt ra nhằm phát huy hiệu quả tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại.

Phân tích đánh giá hiệu quả của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo ông Nguyễn Kim Tấn, người dân ở khu liền kề 23 phố Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), hiện việc kết nối với tuyến đường sắt chưa được thuận lợi.

Xe buýt chạy cũng phải có giờ, khách xuống tàu nhưng lại chen lên cùng một xe buýt thì thành nhược điểm. Nếu tạo được những đường “xương cá” thì các khu vực dân cư hai bên đường người dân sẽ tiếp cận với tuyến đường sắt nhiều hơn.

“Tôi đã đi nước ngoài nhiều, hôm nay trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông qua 10 ga thấy chẳng thua gì các tàu đường sắt trên cao ở nước họ. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này nếu được kết nối với các đường “xương cá” thì quá thuận lợi. Lúc đó, người dân sẽ bỏ hết phương tiện cá nhân để đi tàu đường sắt", ông Nguyễn Kim Tấn chia sẻ.

Nhưng đối với chị Thùy Trang ở đường Ngã Tư Sở thì lại khác. Nhà ở Ngã Tư Sở, chỉ cách ga vành đai 3 hơn 1 km nên việc đi tàu Cát Linh - Hà Đông lên cơ quan đóng tại Cát Linh là giải pháp tối ưu được chị Thùy Trang lựa chọn để đi lại hàng ngày.

“So với đi xe buýt và xe máy thì với giá vé 200.000 đồng/tháng đi tàu Cát Linh - Hà Đông nhanh hơn hẳn lại sạch đẹp, an toàn. Nhưng đối với người ở xa tuyến đường sắt thì việc kết nối chưa được thuận tiện. Nhiều người rất muốn đi tàu nhưng phải qua mấy chặng xe buýt hoặc phải gửi xe máy, thậm chí có lúc gửi xe còn bị chặt chém", chị Thùy Trang phản ánh.

Ngồi chờ tại ga vành đai 3, một bác cao niên cho biết đã đi nhiều lần trên tàu Cát Linh - Hà Đông và rất ấn tượng về chất lượng cũng như tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên nhà ga.

Tuy nhiên, để tuyến đường sắt này phát huy hiệu quả cơ quan chức năng có thể khảo sát mở thêm các lối thông thẳng từ các khu dân cư ra trục đường tránh đi vòng vèo “gần nhà, xa ngõ”. Ví dụ như chỉ cần đập thông bức tường phía sau trường Đại học Khoa học tự nhiên là khu dân cư phía sau dễ dàng ra ngõ lớn tiếp cận với đường Nguyễn Trãi sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Lần đầu đưa con gái đi trải nghiệm tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, anh Đinh Khắc Vụ (Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức) chia sẻ, tàu chạy êm và cảm giác khá an toàn, không những thế còn được ngắm cảnh thành phố từ trên cao khá thú vị.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông không còn phải lo tắc đường, kẹt xe vào giờ cao điểm nếu cơ qua ở trục đường này chắc chắn anh sẽ đi thường xuyên. Đây cũng là tâm sự chung của nhiều hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông trong những ngày qua.

Bài toán tăng cường kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tính đến ngay từ trước khi đưa tuyến đường sắt vào khai thác. Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 ga.

Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị.

Các máy bán thẻ tự động được bố trí ở tất cả các ga, thuận tiện cho hành khách mua vé. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Các máy bán thẻ tự động được bố trí ở tất cả các ga, thuận tiện cho hành khách mua vé. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến buýt kết nối. Việc triển khai phương án kết nối được thực hiện trên lộ trình cơ sở phương án được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt, nhưng đến thời điểm này mới triển khai được một phần.

Hiện nay, đã có 53 tuyến xe buýt hoạt động dọc hành lang tuyến Cát Linh - Hà Đông, kết nối với các ga đầu cuối và ga dọc tuyến; trong đó ga Yên Nghĩa 20 tuyến, ga La Khê 15 tuyến, ga Văn Khê 12 tuyến, ga Hà Đông 10 tuyến, ga Văn Quán 13 tuyến, ga Phùng Khoang 10 tuyến, ga vành đai 3 là 12 tuyến, ga Thượng Đình 11 tuyến, ga Láng 5 tuyến, ga Thái Hà 4 tuyến, ga La Thành 4 tuyến và ga Cát Linh 10 tuyến). Dự kiến đến khi triển khai xong phương án kết nối, sẽ có 59 tuyến buýt kết nối với 12 nhà ga.

Bên cạnh việc kết nối với các tuyến buýt, việc bố trí các điểm gửi xe cũng đã được các quận nơi có nhà ga bố trí đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân. Lực lượng chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với bãi trông giữ xe phục vụ hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông thu quá giá quy định.

Theo quy hoạch tới năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có 9 tuyến với tổng chiều dài 410,8 km, cùng hàng trăm nhà ga. Để phát huy hiệu quả cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải đặt trong bối cảnh chung khi Hà Nội phát triển mạng lưới đầy đủ các tuyến metro thì người dân có thể đi từ tuyến này nối sang tuyến kia, còn hiện tại thì kết nối chủ yếu bằng xe buýt và đi bộ.

Do đó, trước mắt, cùng với các giải pháp kết nối, ngay từ bây giờ, người dân cần hình thành văn hóa đi bộ vừa tăng cường sức khỏe vừa góp phần phát huy hiệu quả của hoạt động vận tải hành khách công cộng; trong đó, có xe buýt và đường sắt trên cao./.

Tuyết Mai/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-huy-hieu-qua-duong-sat-cat-linh-ha-dong-bai-cuoi-khong-chi-de-trai-nghiem/222473.html