Phát huy hiệu quả, người dân phấn khởi

Kênh mương và đường quản lý kết hợp giao thông của tiểu dự án Nâng cấp kênh tưới thuộc hệ thống thủy nông Tam Giang (huyện Tuy An) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: ANH NGỌC

Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung được triển khai tại Phú Yên với 5 dự án thành phần. Đến nay, các dự án thành phần này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả, được nhân dân trong vùng dự án và nhà tài trợ đánh giá cao.

Đưa nhiều công trình vào sử dụng

Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung, tỉnh Phú Yên có 5 dự án thành phần (tiểu dự án), do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 420 tỉ đồng, thời gian thi công từ năm 2015. Đến nay, cả năm tiểu dự án này đều hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế mới cho người dân vùng dự án.

Ông Nguyễn Doãn Dương, Giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung tại Phú Yên (đại diện chủ đầu tư), cho biết: Tiểu dự án Nâng cấp đập dâng Suối Cấu và đường quản lý kết hợp giao thông (huyện Đồng Xuân) có tổng mức đầu tư hơn 35,5 tỉ đồng đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng từ tháng 9/2018. Tiểu dự án Nâng cấp kè, đường giao thông, cống ngăn mặn và thoát lũ An Cư - An Hiệp - An Hòa (huyện Tuy An) với tổng mức đầu tư gần 43,8 tỉ đồng hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng từ tháng 5/2019.

3 tiểu dự án còn lại cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2020. Trong đó, tiểu dự án Kiên cố kênh chính và kênh nhánh - kênh bắc và kênh nam hệ thống thủy nông Đồng Cam (các huyện Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa) có quy mô đầu tư nâng cấp khoảng 20,2km kênh đất sang kênh bê tông xi măng và bê tông cốt thép; nâng cấp hơn 25,3km đường bờ kênh, đường quản lý vận hành từ đường đất sang đường bê tông xi măng. Tiểu dự án Nâng cấp kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Đồng Tròn (các huyện Tuy An và Đồng Xuân) có quy mô đầu tư nâng cấp, xây dựng khoảng 22,8km kênh tưới cấp I và xây dựng mới trạm bơm điện công suất 330m3/giờ. Tiểu dự án Nâng cấp kênh tưới thuộc hệ thống thủy nông Tam Giang (huyện Tuy An) có quy mô nâng cấp, xây dựng 5,8km kênh tưới cấp IV từ kênh đá xây sang kênh bê tông cốt thép và 5,8km đường quản lý kết hợp giao thông từ đường đất sang đường bê tông xi măng. Tất cả 5 công trình này sau khi bàn giao đến nay đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống kênh mương của tiểu dự án Nâng cấp kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: ANH NGỌC

Hệ thống kênh mương của tiểu dự án Nâng cấp kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: ANH NGỌC

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Theo HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An), hiện nay, diện tích sản xuất lúa của HTX khoảng 240ha. Do địa hình không bằng phẳng nên hệ thống kênh mương bằng đất trước đây không đảm bảo cấp nước cho các vùng gò đồi, nhiều diện tích sản xuất lúa thường xuyên thiếu nước. Vì vậy, HTX phải huy động nhiều máy bơm dầu để cấp nước tưới ở các khu vực này. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Trung Lương 1, xã An Nghiệp cho biết: Trước đây, do ruộng lúa của gia đình tôi nằm trên gò cao nên thường xuyên thiếu nước tưới, có năm phải chuyển sang trồng rau màu, đậu đỗ. Hồ thủy lợi Đồng Tròn đã xây dựng xong khá lâu, nhưng chưa hoàn thiện hệ thống kênh mương nên sản xuất nông nghiệp ở khu vực này bấp bênh. Từ khi hệ thống kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Đồng Tròn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nông dân ở địa phương rất phấn khởi vì nguồn nước tưới dồi dào, không lo thiếu nước để sản xuất lúa như trước đây.

Ông Trần Văn Hải ở thôn Hội Tín, xã An Thạch (huyện Tuy An), nói: Trước đây, bà con nông dân làm ruộng gặp nhiều trở ngại, nhất là vấn đề nước tưới không theo ý muốn của bà con, canh tác rất vất vả. Nông dân 3 xã An Thạch, An Ninh Tây và An Ninh Đông canh tác cây lúa nước chủ yếu dựa vào nguồn nước của kênh KC4, nhưng kênh mương này đầu tư quá lâu, đã xuống cấp, hư hỏng rất nặng, nguồn nước tưới không đảm bảo. Thêm vào đó, bờ kênh KC4 chỉ là bờ đất rất nhỏ hẹp, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt khiến nông dân vận chuyển nông sản từ ruộng về nhà rất nhọc nhằn. Sau khi kênh tưới này được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng khoảng 1 năm nay, việc tưới tiêu được chủ động hơn, nguồn nước đảm bảo hơn.

Ông Bùi Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạch cho biết: Địa phương có khoảng 245ha đất sản xuất lúa nước 2 vụ. Mặc dù số diện tích này nằm ở khu vực đầu kênh, nhưng trước đây do hệ thống kênh mương bị hư hỏng, xuống cấp nên không đảm bảo nguồn nưới tưới. Việc nâng cấp kênh tưới thuộc hệ thống thủy nông Tam Giang đã đáp ứng nhu cầu nước tưới đối với số diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, người dân được hưởng lợi nhiều mặt. Riêng tuyến đường dọc kênh mương dài gần 6km từ xã An Thạch đến xã An Ninh Đông được bê tông hóa, đường sá rộng rãi, ô tô có thể lưu thông qua lại hàng ngày nên rất thuận lợi. Tiểu dự án không chỉ đem lại hiệu quả tích cực, đáp ứng kỳ vọng của người dân mà còn tạo cảnh quan thông thoáng, môi trường sạch đẹp và hình thành diện mạo mới cho vùng nông thôn thuộc dự án.

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết: Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung được triển khai tại 6 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á với mục tiêu cải thiện sinh kế và mức sống của người dân nông thôn tại các tỉnh miền Trung. Dự án này có 26 tiểu dự án với hơn 1,2 triệu người dân trong vùng được hưởng lợi, thời gian thực hiện từ năm 2015-2020, với tổng vốn hơn 1.717 tỉ đồng. Dự án đã sửa chữa, nâng cấp và xây mới 38 công trình thủy lợi, xây dựng hơn 305km kênh mương nhằm chủ động nước tưới cho khoảng 44.685ha đất nông nghiệp, nâng cấp khoảng 135km đường nông thôn... Đến nay, các công trình này đã hoàn thành, đưa vào vận hành, sử dụng, an toàn đúng thiết kế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh, được nhân dân trong vùng dự án và nhà tài trợ đánh giá rất cao.

Ban quản lý dự án và sở NN-PTNT các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán, nhằm đảm bảo đúng tiến độ thời gian như Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo. Các quyết định phê duyệt quyết toán tổng dự án hoàn thành của các tỉnh gởi về Ban quản lý Dự án Trung ương dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung trước ngày 30/9/2021 để tổng hợp trình Bộ NN-PTNT thẩm định, phê duyệt quyết toán toàn dự án.

Ông Lê Văn Hiến,

Trưởng Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT)

ANH NGỌC - QUỲNH NHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/256597/phat-huy-hieu-qua-nguoi-dan-phan-khoi.html