Phát huy hiệu quả phong trào thi đua 'Dân vận khéo'

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Mộc Châu đã cụ thể hóa bằng những mô hình, việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới tại HTX rau an toàn An Tâm, bản An Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới tại HTX rau an toàn An Tâm, bản An Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.

Đầu năm 2023, Chi bộ và nhân dân bản An Thái, xã Mường Sang đăng ký thực hiện mô hình “Sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bền vững trong trồng rau màu”. Chi ủy, ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; vận động các hộ dân tham gia HTX... Mô hình được người dân tích cực tham gia, cả bản hiện có 23 ha trồng rau màu, trong đó có 6 ha sử dụng hệ thống tưới tự động bằng điều khiển hoặc điện thoại thông minh. Bản có HTX rau an toàn An Tâm gồm 18 thành viên, với 8 ha rau màu được công nhận VietGAP. Đời sống của người dân trong bản ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,7 triệu/người/năm.

Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới trồng rau sạch, chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc HTX rau an toàn An Tâm, chia sẻ: Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của mô hình, các thành viên trong HTX tích cực tham gia. Ngoài thâm canh 8 ha, HTX đã liên kết với 30 hộ gia đình trong bản trồng 11 ha theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường. HTX đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và nông dân. Ký hợp đồng tiêu thụ cung cấp cho cửa hàng, siêu thị và bếp ăn tập thể. Sản lượng rau củ quả bình quân của HTX đạt 300 tấn, doanh thu đạt 2 tỷ đồng.

Mô hình “cảm hóa và giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công an xã Chiềng Sơn, triển khai hơn 10 năm đang phát huy hiệu quả. Với tinh thần, trách nhiệm và lòng bao dung, các thành viên CLB luôn là điểm tựa vững chắc để những người lầm lỡ có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Tham gia CLB từ ngày đầu thành lập cho đến nay, chị Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, CLB đã phát hơn 2.000 phiếu tố giác về tội phạm, kết quả thu được hơn 1.000 tin có giá trị đến hoạt động tội phạm và tố giác người nghiện ma túy tại cộng đồng; phối hợp hòa giải thành công 59 vụ; giải quyết được 77 vụ về an ninh trật tự. Thực hiện cảm hóa giúp đỡ 327 lượt người lầm lỡ. Phối hợp với các ngân hàng, quỹ tín dụng tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy, người lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng được vay vốn với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng, cho 117 lượt người vay, giúp họ vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời.

Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Mộc Châu có 350 mô hình được xác nhận đạt tiêu chuẩn điển hình “Dân vận khéo” các cấp. Trong đó, 72 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 100 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế; 142 mô hình lĩnh vực văn hóa, xã hội; 36 mô hình lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Nổi bật là các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế, đã tác động không nhỏ tới kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Các cấp ủy, chính quyền đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 2 vùng được UBND tỉnh công nhận, là vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Trên địa bàn huyện đã phát triển 293 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho 481 ha; gần 46 ha nhà kính, nhà lưới; 382 ha rau, củ, quả, chè được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; 29 vùng trồng được cấp mã số phục vụ xuất khẩu; 1.673 tổ chức, cá nhân sản xuất 2.301 ha theo hướng hữu cơ; 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ; hỗ trợ, phát triển, duy trì hoạt động của 58 chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên toàn huyện gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm...

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giúp đỡ những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2020 đến nay, Mộc Châu đầu tư xây dựng 268 tuyến đường với chiều dài gần 68 km, tổng mức đầu tư trên 91 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ hơn 28,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 63 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng hơn 251 km điện chiếu sáng ngõ xóm theo hình thức nhân dân đầu tư, nhà nước hỗ trợ tiền điện... Nhờ có sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của nhân dân cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, hiện nay toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Lò Anh Đông, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Qua rà soát, đánh giá, đa số các mô hình đều gắn với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Huyện đang tiếp tục triển khai thêm các mô hình mới, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn.

Bài, ảnh: Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/phat-huy-hieu-qua-phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo-yEu1SUDSR.html