Phát huy hiệu quả phòng trừ sâu đầu đen hại dừa

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích dừa toàn tỉnh hiện nay gần 9.000ha. Dừa là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đầu ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Long Phú (cụ thể là tại xã Long Đức) đã xuất hiện sâu đầu đen, gây hại dừa và đã có nhiều diện tích trồng dừa của người dân đang giai đoạn sinh trưởng, dừa cho trái bị sâu đầu đen tấn công, gây hiện tượng chết cây. Để hỗ trợ người dân, ngành chuyên môn đã hướng dẫn cách phòng trừ sâu đầu đen, cũng như thả một số sinh vật diệt sâu đầu đen, bước đầu đã đem lại một số kết quả tốt.

Huyện Long Phú có diện tích trồng dừa gần 1.900ha, phân bố tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện và theo thống kê, dừa trồng nhiều nhất tại xã Long Đức, tại đây cũng đã thành lập các tổ hợp tác thu mua dừa. Khoảng 5 tháng trở lại đây, sâu đầu đen xuất hiện đã gây thiệt hại trên cây dừa, làm giảm năng suất trái. Một số nhà vườn phát hiện sâu đầu đen trễ, không thể phòng trị kịp thời, đành đốn bỏ dừa chuyển sang loại cây trồng khác hay xen canh một số loại cây trồng trong vườn, nhằm đảm bảo lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật áp dụng biện pháp sinh học phòng trừ sâu đầu đen trên dừa bằng cách thả bọ đuôi kiềm vàng. Ảnh: THÚY LIỄU

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật áp dụng biện pháp sinh học phòng trừ sâu đầu đen trên dừa bằng cách thả bọ đuôi kiềm vàng. Ảnh: THÚY LIỄU

Chị Lê Thị Hường, ấp Lợi Đức, xã Long Đức (Long Phú) chia sẻ: “Tôi có 12 công trồng dừa, thu hoạch trái hơn 7 năm qua. Với diện tích dừa nêu trên mỗi tháng thu hoạch từ 500 - 700 trái dừa, cho thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số lượng dừa hiện tại chỉ còn 40 - 50 trái/tháng, nguyên nhân là do sâu đầu đen tấn công vườn dừa. Giờ vườn dừa đã nhiễm sâu khá nặng, khoảng 70%. Lúc đầu thấy dừa có biểu hiện bị khô lá trên cây, nghĩ là do thời tiết chuyển mùa nhưng khi quan sát cả khu vườn thì tất cả các cây dừa đều bị khô lá. Không biết cây bị bệnh gì nên tôi cứ bón phân, tưới nước để cây phát triển nhưng cây vẫn bị khô lá ngày một trầm trọng hơn. Tình cờ xem trên phương tiện thông tin đại chúng mới biết vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen. Hiện tại, vườn dừa của gia đình đã được ngành chuyên môn áp dụng thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật, bước đầu có hiệu quả, một số sâu bướm của dừa chết, rớt xuống gốc cây. Do vậy, tôi hy vọng vườn dừa sẽ được trị dứt điểm sâu đầu đen…”.

Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin: “Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker. Sâu gây hại trên dừa bằng cách ăn mặt bên trong của biểu bì lá, thải phân ra ngoài, phân được kết dính tạo sợi tơ bao bọc cơ thể ở bên trong. Đồng thời, sâu sẽ tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên và sâu tấn công vỏ trái. Sâu hóa nhộng trong các lá chét, nhộng vũ hóa thành bướm và bay đi. Theo ghi nhận của đơn vị, sâu đầu đen xuất hiện đầu tiên tại ấp Lợi Đức, xã Long Đức (Long Phú). Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích nhiễm sâu đầu đen hại cây dừa là 24,96ha, trong đó nhiễm nhẹ khoảng 12ha, trung bình 7,5ha và nhiễm nặng 5,2ha, tập trung tại hai ấp: Lợi Đức và An Hưng của xã Long Đức. Đơn vị cũng đã triển khai một số biện pháp sinh học trên cây dừa tại một số vườn của hộ dân có diện tích bị sâu đầu đen tấn công là thả bọ đuôi kiềm vàng, phun khói, phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt sâu, bước đầu cũng có một số kết quả khả quan. Qua đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành công văn hướng dẫn, tạm thời sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Abamectin, Bacillus thuringiensis, Azadirachtin, Emamectin benzoate, Spinosad nhằm phòng trị sâu đầu đen hại dừa”.

Đồng chí Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) nhận định, sâu đầu đen trên dừa là loài sâu hại mới bộc phát và gây hại ở Việt Nam, nguy cơ lây lan sang các tỉnh có trồng dừa khác là rất lớn. Vì vậy, để người dân biết nguy cơ của sâu đầu đen hại dừa, ngành chuyên môn các tỉnh tích cực thăm vườn, điều tra, phát hiện, khoanh vùng để áp dụng các biện pháp dập dịch. Trước mắt, những vùng có sâu đầu đen nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp cùng sự nhiệt tình hưởng ứng của nhà vườn trồng dừa để kịp thời và đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng trị sâu đầu đen.

Về lâu dài, đồng chí Lê Văn Thiệt cho rằng nên nghiên cứu đặc tính sinh học, tập tính sinh hoạt và gây hại… để tìm quy luật phát sinh và phát triển. Từ đó mới có biện pháp quản lý bền vững, theo phương châm bảo vệ môi trường và sản xuất hữu cơ, đặc biệt trong phòng trị sâu đầu đen, ưu tiên nghiên cứu biện pháp quản lý bằng sinh học như: ong ký sinh, bẫy bả, chế phẩm sinh học, sinh vật bắt mồi…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/phat-huy-hieu-qua-phong-tru-sau-dau-den-hai-dua-50643.html