Phát huy hiệu quả vai trò Cổng thông tin điện tử tại ĐBSCL

Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang là 3 tỉnh nằm trong vùng dự án thuộc vùng bán đảo của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhằm nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng các loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó có việc xây dựng cổng thông tin điện tử, tập hợp kho tàng tri thức quý giá liên quan đến Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL.

Ứng dụng loại hình sinh kế mới, cải thiện kinh tế địa phương

Vùng bán đảo ĐBSCL chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề. Trước thực tế này, Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) được thực hiện trên địa bàn với nhiều loại hình sinh kế mới.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững ĐBSCL (GEF-ICRSL) cũng được triển khai theo cơ chế đồng tài trợ của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Người dân tham gia chuyển đổi sinh kế được lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, tham gia đào tạo, nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp bền vững. Ở vùng bán đảo của vùng dự án, những đổi mới sáng tạo có thể kể đến như bảo vệ dòng chảy, canh tác rừng sú vẹt, đồng quản lý rừng ven biển, các giải pháp phi cấu trúc như hàng rào tre hình chữ T, quy hoạch cảnh quan, nuôi tôm sinh thái...

Loại hình sinh kế nuôi sò huyết dưới tán rừng tại Kiên Giang

Loại hình sinh kế nuôi sò huyết dưới tán rừng tại Kiên Giang

Nhiều hoạt động liên quan đến dự án được triển khai như: khảo sát, thu thập, chuẩn hóa và biên tập các sản phẩm tri thức dựa vào dữ liệu từ kết quả của các hợp phần trong khuôn khổ dự án; xây dựng phần mềm và cổng thông tin chia sẻ tri thức; xây dựng ấn phẩm (giấy), biên tập video/clip, tài liệu hướng dẫn; tổ chức hội thảo, bàn giao sản phẩm; lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp truyền thông, tăng hiệu quả của công thông tin… với sự tham gia của đội ngũ tư vấn.

Ngoài ra, để kho tàng thông tin được lưu trữ lâu dài, bài bản và dễ dàng tìm kiếm, sự xuất hiện của Cổng thông tin điện tử tri thức chính là tất yếu.

Phát huy tối đa tiềm năng của cổng thông tin

Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức được xây dựng với mục đích cá nhân hóa thông tin theo từng nhóm người dùng và nhóm tài nguyên được chia sẻ. Thông qua cổng thông tin, việc tìm kiếm dữ liệu, sản xuất nội dung, kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với các đơn vị khác trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.

Giao diện cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức

Giao diện cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức

Cổng thông tin hướng đến đa dạng đối tượng: người dân, nhà khoa học, các cơ quan quản lý và nhóm quản trị hệ thống. Kiến trúc thông tin gồm: bản tin, thư viện, loại hình sinh kế, liên kết nông dân, đổi mới sáng tạo, quản lý nước…

Để phát huy tối đa các tính năng của cổng thông tin, đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tại dự án cho rằng sau khi đi vào hoạt động, các bên cần có sự chủ động hơn, tích cực, kịp thời và hiệu quả, không chỉ cung cấp thông tin một chiều mà còn tiếp nhận, tương tác thông tin, giới thiệu những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để người dân có thể hiểu hơn về dự án.

Đặc biệt, với kho tàng tri thức khổng lồ, gồm tin tức, bản đồ vùng dự án, thông tin về các loại hình sinh kế được triển khai trong dự án, kết quả nghiên cứu chính của dự án GEF-ICRSL, video bản tin, phóng sự, phim tài liệu, sổ tay kỹ thuật sản xuất, cẩm nang hướng dẫn các loại hình sinh kế và dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động cũng như các đo đạc chất lượng nước nội đồng phục vụ sản xuất, mọi đối tượng quan tâm đến dự án đều có thể nhanh chóng tìm thấy thông tin một cách hiệu quả.

Truy cập Cổng thông tin điện tử chia sẻ tri thức tại: sinhkedbscl.vn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-huy-hieu-qua-vai-tro-cong-thong-tin-dien-tu-tai-dbscl-a33225.html