Phát huy lợi thế ngành nghề nông thôn

'Phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập người dân, góp phần tôn tạo, giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế hiện đại' là một trong những mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với 2020. (Ảnh chụp tại xã Tân Thành, TP Cà Mau).

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với 2020. (Ảnh chụp tại xã Tân Thành, TP Cà Mau).

Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, với sự kết hợp hài hòa của biển, rừng, cùng sự đan xen giữa các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, tạo cho vùng đất này sự đa dạng, phong phú sản vật, góp phần thúc đẩy sự hình thành các làng nghề truyền thống.

Theo Quyết định phê duyệt số 1206/QÐ-UBND ngày 20/8/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh, Cà Mau có 11 nghề, 37 làng nghề, 5 nghề truyền thống, 18 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, qua rà soát, đối chiếu các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NÐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay, tỉnh Cà Mau không có nghề truyền thống. Qua thời gian, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống dần mai một, chỉ còn vài hộ làm nghề, nên không đủ tiêu chí để lập hồ sơ công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.

Hiện nay, tỉnh có 740 cơ sở ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được công nhận (theo Quyết định số 1206/QÐ-UBND ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh) hoạt động có hiệu quả với 4 nhóm ngành nghề, gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Trong đó, có 35 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác và 649 hộ gia đình, với doanh thu 785,259 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 3.057 lao động, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Ngành nghề sản xuất muối có 56 cơ sở (1 hợp tác xã, 55 hộ gia đình); doanh thu 12 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 165 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh chụp tại xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi).

Ngành nghề sản xuất muối có 56 cơ sở (1 hợp tác xã, 55 hộ gia đình); doanh thu 12 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 165 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh chụp tại xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi).

Ông Phùng Sơn Kiệt, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhìn nhận: “Nhiều ngành nghề nông thôn trong tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Do đó, Kế hoạch 125/KH-UBND ngày 28/5/2024 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2030, định hướng đến 2045, là một trong những bước đà quan trọng, nhằm phát triển nghề nông thôn. Ðể thực hiện kế hoạch này, chúng tôi đẩy mạnh tập huấn tuyên truyền nâng cao năng lực cán bộ phụ trách ở cơ sở. Ðây là công việc rất quan trọng, bởi lực lượng cán bộ phụ trách là những người trực tiếp, tiếp cận với từng hoạt động ở cơ sở, từ đó đề xuất chi tiết, cụ thể những thuận lợi, khó khăn để cùng người dân bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Bên cạnh đó, với những chính sách từ Nhà nước, người dân cũng tự tin, giữ gìn nghề nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho chính họ, từ đó, nâng nghề nông thôn lên tầm cao mới”.

Ðể thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra trong các kế hoạch, việc tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thực hiện chương trình ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Mục đích nhằm giúp cán bộ nắm được những kiến thức cơ bản về các chủ trương, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; tăng cường kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý, điều hành và thực thi của các cán bộ. Qua đó, tạo điều kiện cho các ngành nghề, làng nghề nông thôn phát triển bền vững, gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Những chính sách thuận lợi, cùng với vấn đề gắn bó, bảo tồn của chính người dân thực hiện nghề nông thôn là điều kiện để phát triển bền vững nghề truyền thống. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận thị trường của hầu hết các cơ sở sản xuất còn hạn chế, cơ sở hạ tầng nông thôn và mức độ cơ giới hóa trong sản xuất còn chậm, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm, chi phí cao, mẫu mã kém bắt mắt, thiếu đa dạng sản phẩm, chưa xây dựng thương hiệu... Từ những vướng mắc đó, tỉnh đang cần những cơ chế ”, ông Phùng Sơn Kiệt cho biết.

Chính vì lẽ đó, Cà Mau khuyến khích các cơ sở ngành nghề, làng nghề tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), khuyến khích phát triển ngành nghề mới sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ, để hình thành các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn...

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (bìa trái), Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn cùng cán bộ phụ trách cơ sở tại các xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (bìa trái), Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn cùng cán bộ phụ trách cơ sở tại các xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chia sẻ: “Quyết định số 1058/QÐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến 2045, là chính sách được Ðảng và Nhà nước ta quan tâm, để phát triển và bảo tồn ngành nghề nông thôn. Cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau có nhiều làng nghề truyền thống đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa; tạo nên nhịp sống sôi động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm nông thôn. Do đó, tiềm năng bảo tồn các làng nghề vùng mặn, ngọt ở Cà Mau là rất quan trọng. Chính vì thế, cụ thể hóa chính sách phù hợp với địa phương là điều tiên quyết, trong đó có nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trực tiếp phụ trách, để từ đó cùng đồng hành, kịp thời hỗ trợ người dân trong bảo tồn, phát huy nghề truyền thống”./.

Hằng My

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-huy-loi-the-nganh-nghe-nong-thon-a33526.html