Phát huy 'lợi thế tỷ đô' của xuất khẩu dừa
Trái dừa trước đây chủ yếu được tiêu thụ nội địa, giá trị kinh tế thấp. Thế nhưng, trong vòng 15 năm qua, trái dừa tăng giá trị xuất khẩu và gia nhập 'câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô' (USD) một cách ngoạn mục.
Trái dừa tăng giá - vì sao?
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Ngọc Phượng ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho hay, bà vừa gom góp được 5 chục dừa khô (1 chục là 12 đến 14 trái) còn sót lại trong vườn với giá 200.000 đồng/chục. Vườn dừa nhà bà rộng hơn 1 công (1.000m2), từ đầu năm đến nay cứ 1-2 tuần lại có thương lái đến hỏi mua.
Từ đầu năm đến nay, giá dừa tăng liên tục. Hiện dừa khô được thương lái thu mua tại các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với giá 180.000-215.000 đồng/chục; dừa tươi (dùng để lấy nước uống) là 100.000-120.000 đồng/chục. Với mức giá này, người trồng dừa rất phấn khởi. Hiện nay, nguồn cung dừa giảm trong khi nhu cầu của thị trường tăng cao, đẩy giá dừa lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Dừa khô tại một cơ sở thu mua ở tỉnh Bến Tre.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá dừa trong nước đang duy trì ở mức cao trong những tháng gần đây do một số quốc gia có diện tích dừa lớn như Ấn Độ, Malaysia đang khan hiếm dừa. Đặc biệt là Malaysia đang tăng lượng nhập khẩu dừa để giải quyết tình trạng thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, các vườn dừa tại Việt Nam đang vào vụ mùa nghịch, năng suất và sản lượng giảm thấp. Nhu cầu dừa nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu đang cao. Do đó, giá dừa tươi lẫn dừa khô tăng cao như hiện nay.
Gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô”
Cây dừa hiện đang trở thành một trong những mặt hàng kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện diện tích trồng dừa cả nước khoảng 170-175 nghìn héc-ta. Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đã đạt 1,089 tỷ USD.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay: Việt Nam hiện đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu trên thị trường dừa thế giới, xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa đến hơn 40 thị trường (Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc...) với khoảng 26,7-28 triệu quả/năm. Năm 2023, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD, trong đó dừa tươi chiếm khoảng 25% giá trị.
Năm 2023, Mỹ chấp thuận cho trái dừa của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này, rồi đến châu Âu cũng chấp thuận mở cửa cho trái dừa. Đặc biệt, từ ngày 19-8-2024, cơ quan quản lý của Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho trái dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường lớn. Trung bình mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỷ quả (khô và tươi), trong đó riêng dừa tươi khoảng 2,6 tỷ quả, đây là thị trường tiềm năng lớn của dừa Việt Nam.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group-một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của nước ta, đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Vì Trung Quốc là thị trường đông dân, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa... Với vị trí địa lý gần gũi nên trái dừa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí vận chuyển so với các nước khác ở Đông Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về giảm thuế và đẩy mạnh giao thương.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Vina T&T Group cũng cho rằng, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa như Thái Lan, Indonesia... đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý.
Để phát triển bền vững ngành dừa của Việt Nam, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, cần triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến đối với dừa khô nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, vì xuất khẩu dạng này mang lại giá trị kinh tế thấp. Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng nguồn lực trong nước để phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm từ dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cây dừa là một trong 6 cây trồng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000-210.000ha; vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000-175.000ha, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ diện tích 16.000-20.000ha, còn lại 9.000-15.000ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ... Đến năm 2030, hơn 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-loi-the-ty-do-cua-xuat-khau-dua-829680