Phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa đã tập trung phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nằm cách trung tâm huyện 5km, xã miền núi Lang Sơn có diện tích tự nhiên 898,53ha, hơn 1.200 nghìn hộ dân với gần 4.400 nhân khẩu phân bố tại 5 khu hành chính. Cùng với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã đã tích cực vận dụng linh hoạt và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của huyện, tỉnh, Trung ương; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia để phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, xã còn tập trung phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông; tạo điều kiện để người dân được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng các ngành nghề như: Chế biến nông sản, cơ khí, mộc dân dụng, xây dựng... Hiện trên địa bàn xã có 2 xưởng chế biến lâm sản; 87 hộ sản xuất gia công đồ mộc, xẻ gỗ, xay xát, gia công cơ khí, nhôm kính; 1 HTX may mặc và 5 xưởng may gia công...; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động của địa phương. Qua đó, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,4%, hộ cận nghèo còn 7,5%.
Phấn đấu thực hiện mục tiêu hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục..., mỗi năm xã phối hợp với các đơn vị mở 5-10 lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; vận động người dân phát huy thế mạnh của địa phương nhằm mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như: Chuối, cam, bưởi và nuôi trồng thủy sản, qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có chứng chỉ đạt gần 70%.
Cấp ủy, chính quyền xã chú trọng triển khai hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo đến người dân. Với những hộ thiếu vốn sản xuất, UBND xã chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội xã nhận ủy thác đạt trên 80 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Vợ chồng anh Phan Văn Cơ ở khu 1 là một trong những hộ tiêu biểu của xã về tinh thần vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất. Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và chịu khó học hỏi, năm 2023, gia đình anh Cơ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng thành công mô hình nuôi ốc nhồi trong bể bạt kết hợp với trồng trọt và chăn nuôi gia cầm, đến nay đã đem lại nguồn thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy và triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn xã cũng ngày càng khởi sắc. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Lường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo và kế hoạch của UBND huyện, cấp ủy, chính quyền xã Lang Sơn sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, nhằm khuyến khích người dân đầu tư phát triển cây ăn quả, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện về đất đai, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân, từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, phấn đấu cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn dưới 7%”.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-huy-noi-luc-de-giam-ngheo-ben-vung-217786.htm