Phát huy nội lực, giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn

Vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, với các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tinh thần chủ động càng phải cao hơn, từng bước cải thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống người dân.

Đa dạng sinh kế để người nghèo vươn lên

Cách đây 5 năm, gia đình chị Tống Thị Tìn (SN 1980), thôn Thung, xã Đèo Gia (Lục Ngạn) mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách để cải tạo đất vườn nhà, trồng gần 100 cây bưởi Diễn. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, ngay từ vụ đầu, vườn bưởi của gia đinh chị sai quả nhất thôn. Trước đây cũng diện tích đất này khi trồng ngô, sắn, giá trị kinh tế thấp, cả gia đình chị vất vả, làm chỉ đủ ăn.

 Nhờ xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, nhiều hộ dân xã Đèo Gia (Lục Ngạn) đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, nhiều hộ dân xã Đèo Gia (Lục Ngạn) đã vươn lên thoát nghèo.

“Thấy nhiều bà con trong thôn chuyển đổi sang trồng bưởi thu nhập cao gấp 4-5 lần nên tôi bàn với chồng học hỏi làm theo. Được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giá bán ổn định nên chúng tôi yên tâm. Sắp tới gia đình tôi sẽ trồng thêm 100 cây để có thêm thu nhập”, chị Tìn chia sẻ. Với quyết tâm thoát nghèo, ngoài cây bưởi, chị còn tham gia mô hình trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP của xã với hơn 200 cây. Có thu nhập ổn định, năm 2022, gia đình chị xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Được biết, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Lục Ngạn dành phần lớn kinh phí hỗ trợ sinh kế cho người nghèo của 9 xã ĐBKK thông qua các mô hình, dự án sản xuất phù hợp với thực tế. Ông Vũ Trí Bằng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện triển khai từ 40-50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo”.

Là một trong 14 xã ĐBKK của huyện Sơn Động, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Sơn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Từ nguồn vốn được phân bổ hằng năm, cán bộ LĐTBXH xã khảo sát, lựa chọn xây dựng dự án sát với điều kiện tự nhiên địa phương, giúp việc chuyển đổi mô hình sản xuất phát huy tối đa hiệu quả. Việc xác định đúng và trúng các loại cây, con chủ lực để hỗ trợ xây dựng mô hình giảm nghèo đã nhận được sự đồng thuận của người dân.

Năm 2022, gia đình ông Tô Văn Phương, thôn Non Tá thoát nghèo. Ông chia sẻ: “Hưởng ứng chủ trương của huyện, xã về phát triển nghề nuôi ong, tận dụng diện tích đồi vải thiều rộng, từ 20 đàn ong được hỗ trợ qua dự án giảm nghèo của xã, năm 2019, tôi mạnh dạn tăng quy mô lên 100 đàn. Lấy công làm lãi, mỗi năm phát triển thêm mô hình, đến nay, gia đình tôi nuôi 400 đàn ong. Có nguồn thu ổn định, tôi có điều kiện cải tạo nhà ở, mua sắm đồ sinh hoạt tiện nghi”.

Cũng với cách làm này, năm 2023, các xã ĐBKK trên địa bàn huyện Sơn Động còn hơn 2,6 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17%, giảm 12,48% (tương đương gần 1,9 nghìn hộ) so với năm 2021.

Lồng ghép linh hoạt, đầu tư trọng điểm

Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn 24 xã ĐBKK ở 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, giảm 4 xã (của huyện Lục Nam) so với năm 2021. Số hộ nghèo còn hơn 3,6 nghìn, chiếm tỷ lệ 13,57%, giảm 8,33% so với năm 2021; số hộ cận nghèo còn hơn 4,1 nghìn, giảm 5,41% so với năm 2021, vượt mục tiêu đề ra.

Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn 24 xã ĐBKK ở 3 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, giảm 4 xã (của huyện Lục Nam) so với năm 2021. Số hộ nghèo còn hơn 3,6 nghìn, chiếm tỷ lệ 13,57%, giảm 8,33% so với năm 2021; số hộ cận nghèo còn hơn 4,1 nghìn, giảm 5,41% so với năm 2021, vượt mục tiêu đề ra.

Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, dù đạt những kết quả tích cực song hiện nay, số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, xã ĐBKK đòi hỏi việc triển khai công tác giảm nghèo cần thay đổi cả về tư duy và hành động.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đơn vị chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, tiếp tục kiên trì giải pháp lồng ghép nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ vùng khó khăn hơn, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài xã ĐBKK duy nhất là Đồng Vương, huyện Yên Thế còn 19 thôn, bản ĐBKK. Từ tổng nguồn vốn được phân bổ (khoảng 10 tỷ đồng) thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mỗi năm, trên cơ sở rà soát của các xã, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu phương án cụ thể để lồng ghép với các nguồn vốn khác.

Theo ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương luôn bám sát phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Trong đó, ưu tiên phân bổ thực hiện các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản ĐBKK. Bởi giao thông, thủy lợi là tiền đề quan trọng giúp bà con giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi, hỗ trợ sản xuất, phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo. Cùng đó, chỉ đạo các xã đẩy mạnh giúp đỡ về vốn, tăng cường cán bộ phổ biến kỹ thuật mới để hộ nghèo phát triển mô hình sản xuất phù hợp, có giá trị kinh tế cao.

Được biết, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai 16 dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 103 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng ĐBKK được vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình kinh tế. Nhờ linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, đầu tư trọng điểm nên kết quả giảm nghèo của huyện luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 4,91%, đến năm 2022 giảm còn 3,76%, năm 2023 còn 2,83%.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK giảm 3-4%; kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX còn 12,6%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tạo sức bật cho các xã ĐBKK, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo bền vững, không tái nghèo, cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: “Sở phối hợp các ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất để đề xuất xây dựng cơ chế phù hợp với các xã ĐBKK theo hướng cho vay một phần, có đối ứng; ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người dân tộc thiểu số”.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phat-huy-noi-luc-giam-ngheo-o-cac-xa-dac-biet-kho-khan-080553.bbg