Phát huy phương pháp STEAM trong dạy học

Chương trình giáo dục STEM (STEAM) đang được áp dụng vào trường học nhằm kích thích sự sáng tạo của học sinh và định hướng nghề nghiệp cho các em theo một quy trình khoa học cụ thể. Với những môn khoa học khó tiếp thu, thay vì giảng lý thuyết, dựa vào hình minh họa đơn điệu trong sách, giáo viên đã làm sinh động thành các mô hình, giờ thực hành, mở rộng nghiên cứu… thu hút học sinh tham gia.

Gần 15 năm công tác, thầy Nguyễn Hữu Chí (Trường THCS Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) luôn có những sáng kiến thiết thực đưa vào dạy học, giúp “mềm hóa” môn Toán khô khan. Thầy Chí cho biết, trong quá trình giảng dạy, nhận thấy sự gắn kết giữa kiến thức Toán học và thực tiễn cuộc sống còn xa vời đối với học sinh, nên mỗi nghiên cứu dù lớn hay nhỏ, thầy đều mong muốn học sinh khơi dậy niềm thích thú và đem những kiến thức học được vận dụng, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống ngày càng nhiều hơn.

Thầy Chí đã viết sáng kiến kinh nghiệm “Khả năng vận dụng Toán học nhà trường vào cuộc sống thường ngày của học sinh lớp 9”. Trong đó, chủ yếu hướng dẫn học sinh áp dụng các phép "tính rợ", tính theo mã, đo đạc… được người dân vận dụng phổ biến trong đời sống thường ngày.

Cách đây 5 năm, đề tài “Đổi mới phương pháp dạy tiết thực hành môn hình học khối 6, 7, 8, 9 một số trường THCS tại huyện Phú Tân” của thầy đã giúp các trường THCS trong toàn huyện không phải mua các thiết bị hỗ trợ dạy học môn Toán (chi phí 1 triệu đồng/bộ). Đến nay, phương pháp trên tiếp tục được nhiều trường THCS trong tỉnh nhân rộng áp dụng.

Tìm được niềm yêu thích trong học tập, rất nhiều học sinh cùng đồng hành bên thầy sau những giờ học để nghiên cứu sâu hơn những điều đã tiếp thu. Thầy Chí còn trực tiếp hướng dẫn các nhóm học sinh có ý tưởng mới, đưa ra giải pháp giúp các em chế tạo sản phẩm: Máy móc, ống hút cỏ bàng, chương trình trò chơi học Toán. Nhiều ý tưởng đã được nhóm học sinh nghiên cứu và tham gia các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm, cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng”, đạt được giải cao cấp tỉnh và quốc gia.

Thầy Nguyễn Hữu Chí cho biết, chương trình giáo dục STEM (STEAM) hiện nay là một chương trình giáo dục gắn liền với thực tiễn cuộc sống, đang được áp dụng trên thế giới và dần được triển khai tại Việt Nam như một hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường. Nhiều trường học và câu lạc bộ của trường đã kích thích sự sáng tạo của học sinh thông qua các mô hình dạy học trải nghiệm sau giờ học và giới thiệu quy trình nghiên cứu khoa học, quy trình sản xuất trong cuộc sống để học sinh tư duy và sáng tạo ra sản phẩm đáp ứng phần nào nhu cầu cuộc sống.

34 năm công tác, thầy Lý Vinh (Trường THPT Châu Văn Liêm, huyện Chợ Mới) là người truyền cảm hứng học tập cho học sinh bằng những phương pháp sinh động. Thời học THPT, thầy Vinh vừa học văn hóa, vừa học thêm nghề sửa xe gắn máy. Niềm đam mê với xe gắn máy, ôtô được khởi lên từ đó, thôi thúc thầy quyết tâm theo học ngành ôtô ở đại học. Bước lên bục giảng với vai trò giáo viên, hơn 30 năm trước, điều kiện công nghệ còn hạn chế, thầy vẫn áp dụng nhiều phương pháp, tăng cường cho học sinh thực hành, làm việc nhóm để tiếp thu bài học về kỹ thuật.

Mô hình động cơ xăng 2 kỳ của thầy Lý Vinh phục vụ giảng dạy cho học sinh rất hiệu quả

Mô hình động cơ xăng 2 kỳ của thầy Lý Vinh phục vụ giảng dạy cho học sinh rất hiệu quả

Gần đây, thầy tận dụng máy cắt cỏ qua sử dụng chế tạo thành mô hình động cơ xăng 2 kỳ để giảng dạy môn Công nghệ của khối lớp 11. Thầy Vinh cho biết, đối với động cơ đốt trong, chỉ có hình ảnh trong sách, không có mô hình, thiết bị thực tế. Nhờ mô hình được chế tạo, các tiết dạy của thầy giúp học sinh hiểu bài rõ hơn, nắm được nguyên lý hoạt động, có thể điều khiển từ xa… thay vì chỉ quan sát đơn điệu trên sách. Với mô hình giáo dục STEAM, thầy Vinh còn tận dụng các tiết giảng mạch điện tử điều khiển cho học sinh khối 12. Những bài tập mang tính thực tiễn như thế giúp học sinh thấy thích thú hơn với môn công nghệ. Từ đó, hướng dẫn học sinh làm theo, tự sáng tạo, có thể thực hành tại nhà.

Công trình khoa học đầu tiên do thầy và nhóm học sinh thực hiện là máy phát điện mi-ni trong nhà, thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện và cơ khí. Kế đến, thầy và học sinh cùng thực hiện dự án xe máy hỗn hợp ở lĩnh vực năng lượng vật lý, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây cũng là dự án mà tập thể Trường THPT Châu Văn Liêm rất tâm đắc khi có thể chạy xe bằng năng lượng điện và xăng, đạt giải nhất ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2021.

Steam là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Math (Toán học), là phương pháp giáo dục tích hợp 5 yếu tố khoa học - công nghệ - kỹ thuật - nghệ thuật - toán học. Mô hình này được khẳng định trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Phương pháp STEAM được ứng dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện giáo dục và khả năng tiếp thu của học sinh, từ mầm non đến THPT.

-MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-phuong-phap-steam-trong-day-hoc-a380836.html