Phát huy sức mạnh của trí thức KH-CN trong thực hiện Nghị quyết 57

Trong kỷ nguyên số và AI, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KH-CN) là lực lượng tiên phong kiến tạo tri thức mới.

Ngày 29.4, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57".

Hội thảo "Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57" ngày 29.4

Hội thảo "Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57" ngày 29.4

Theo đó, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Liên hiệp Hội Việt Nam xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để KH-CN và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, để chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 trong toàn hệ thống, Đảng ủy Liên hiệp Hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 16 ngày 24.2.2025 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 với quan điểm phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, nhiệt huyết của trí thức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH-CN vào thực tiễn đời sống, sản xuất, tạo bước gia tăng hàm lượng khoa học, đưa KH-CN, chuyển đổi số thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học đề ra biện pháp để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH-CN vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 57.

Nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Nghiêm Vũ Khải cho rằng: Trong kỷ nguyên số và AI, trí thức là lực lượng tiên phong trong kiến tạo tri thức mới. Việc phát huy vai trò của trí thức không chỉ đòi hỏi đầu tư về nguồn lực, mà còn cần một sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy chính sách - từ hỗ trợ sang đồng hành, từ định hướng sang khai phóng, từ quản lý sang tạo điều kiện.

Nhà nước cần nhìn nhận đội ngũ trí thức như đối tác chiến lược trong công cuộc phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và xây dựng tương lai quốc gia. Khi trí thức được trao quyền, được tin tưởng và được truyền cảm hứng, họ sẽ trở thành ngọn nguồn của những giá trị bền vững cho đất nước Việt Nam.

Ông Khải kiến nghị việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ cần thể chế hóa các chính sách đột phá của Nghị quyết 57 và các chỉ thị, nghị quyết liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín và đại diện doanh nghiệp lớn; quy định chỉ tiêu và lộ trình tăng ngân sách nhà nước cho KH-CN và đổi mới sáng tạo theo yêu cầu phát triển đất nước...

Trong khi đó, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân nhìn nhận, Nghị quyết số 57 ra đời được cộng đồng trí thức KH-CN, dư luận xã hội đánh giá cao và kỳ vọng khi nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ làm thay đổi diện mạo về bức tranh kinh tế - xã hội nước nhà.

Theo ông Tân, trong bối cảnh mới của Liên hiệp Hội Việt Nam, ngoài việc cụ thể hóa các nội dung Liên hiệp Hội thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 57, cần nhanh chóng nghiên cứu để điều chỉnh mô hình hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam phù hợp với tình hình mới nhằm phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH-CN phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Phó chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam Phạm Ngọc Sơn , các nhà khoa học trong các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam phần lớn là cán bộ hưu trí, bên cạnh những thế mạnh (có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và thực tiễn phong phú; có tính độc lập, tư duy sáng tạo...) cũng đối mặt với một số thách thức khi tham gia thực hiện Nghị quyết số 57.

Đó là khó khăn trong việc cập nhật kiến thức mới, các xu hướng và công nghệ mới; thiếu cơ chế để chủ động tham gia vào việc góp ý, tư vấn, phản biện cũng như chủ trì, tham gia thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết số 57 do bộ ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác có liên quan chủ trì thực hiện; các cơ chế thù lao, đãi ngộ cho việc thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức còn thấp, chưa tương xứng với năng lực thực hiện và chất lượng công việc...

Để các nhà khoa học tham gia tích cực, hiệu quả vào việc thực hiện Nghị quyết số 57, ông Sơn đề nghị cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 57; ban hành cơ chế bảo đảm sự tham gia chủ động và có hiệu quả của Liên hiệp hội, các hội thành viên và các nhà khoa học trong việc chủ trì, tham gia thực hiện các dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do các bộ ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác có liên quan chủ trì thực hiện.

Đồng quan điểm, nhiều nhà khoa học khác cũng đề xuất thêm, ngoài những cơ chế chính sách đột phá mạnh mẽ đã có trong Nghị quyết 57, cần bổ sung nội dung cơ chế chính sách và chương trình hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm KH-CN, đổi mới sáng tạo đã đạt giải thưởng của Liên hiệp Hội Việt Nam hoặc đã thử nghiệm thành công và được cơ quan có thẩm quyền công nhận...

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phat-huy-suc-manh-cua-tri-thuc-kh-cn-trong-thuc-hien-nghi-quyet-57-232096.html