Bộ Nội vụ hướng dẫn mới nhất về thực hiện Nghị định 178/NĐ – CP và Nghị định 67/NĐ - CP

Bộ Nội vụ vừa có công văn số 1814/BNV-TCBC hướng dẫn thực hiện các nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng.

Các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc đối tượng áp dụng

Công văn này chỉ rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp thực hiện việc giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mà thực hiện việc này một cách gián tiếp. Đồng thời, các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cũng thuộc phạm vi điều chỉnh khi thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy

Cụ thể, đối tượng áp dụng bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật trước ngày 15/01/2019 và lực lượng vũ trang còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu, đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 1 của Nghị định, dù không chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp bộ máy nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Có 8 nhóm đối tượng được xác định sẽ được hưởng các chế độ, chính sách khi sắp xếp bộ máy - Ảnh: Đức Anh.

Có 8 nhóm đối tượng được xác định sẽ được hưởng các chế độ, chính sách khi sắp xếp bộ máy - Ảnh: Đức Anh.

Theo đó, có 8 nhóm đối tượng được hưởng chế độ, chính sách khi sắp xếp bộ máy gồm: Đối tượng theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP): Áp dụng thống nhất theo Điều 2 của Nghị định, không loại trừ những người đã có quyết định hoặc thông báo nghỉ hưu.

Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý: Những người chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp khi tổng số lượng lãnh đạo, quản lý cùng cấp vượt quá quy định.

Người làm việc theo hợp đồng lao động: Được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP).

Cán bộ cấp huyện: Thời điểm nghỉ việc để hưởng chế độ được tính từ khi cấp huyện chính thức kết thúc hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã: Nghỉ việc sau ngày 1/1/2025 do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và 2023-2025 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối tượng này thuộc diện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP).

Viên chức và người lao động chuyển công tác sang ngành Công an (quản lý cai nghiện) nhưng không được tiếp nhận: Nếu không được bố trí công việc khác và có nguyện vọng nghỉ việc, UBND cấp tỉnh sẽ giải quyết chế độ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2025/NĐ-CP).

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn: Đã có đủ 15 năm trở lên làm các công việc này.

Người làm việc tại các Hội: Các Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Các phụ cấp trách nhiệm không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn cụ thể về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp. Theo đó, các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy, phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng... ) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng; phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.

Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau. Riêng mức lương cơ sở được tính trên mức lương liền kề của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

Về thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội, thì đối với những người nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 01/7/2025 (ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024) thì hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội như sau: Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0.5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Về tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được căn cứ đặc điểm tình hình và thực tiễn của từng Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chí riêng để áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Đối với trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) .

Về việc giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phương án giải thể hoặc kết thúc hoạt động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được giao tiếp nhận những đối tượng này có trách nhiệm xem xét và giải quyết các chính sách, chế độ, đảm bảo quyền lợi của họ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

Về việc nâng lương trước khi nghỉ hưu trước tuổi, Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể. Theo pháp luật về công chức, viên chức quy định, trước 6 tháng tính đến ngày công chức, viên chức đủ tuổi nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo thời điểm nghỉ hưu. Chế độ nâng bậc lương khi có thông báo nghỉ hưu được áp dụng theo Thông tư số 08/2013/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Do đó, những cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) sẽ không thuộc đối tượng được nâng bậc lương trước thời hạn theo Thông tư số 08/2013/TT-BNV.

Theo Bộ Nội vụ, chính sách và chế độ được quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) góp phần thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách này cũng đảm bảo quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi nghỉ việc do việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp trong hệ thống chính trị.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/bo-noi-vu-huong-dan-moi-nhat-ve-thuc-hien-nghi-dinh-178-nd-cp-va-nghi-dinh-67-nd-cp-192250429180922309.htm