Phát huy sức mạnh giám sát tập thể trong lĩnh vực hàng không

Chưa đầy 2 tháng sau vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines vận chuyển ma túy bị phát hiện, một vụ lùm xùm khác liên quan đến nghi vấn nam phi công hãng này sử dụng ma túy lại xảy ra.

Lô tuýp kem đánh răng chứa ma túy được 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang về nước, bị lực lượng chức năng phát hiện.

Lô tuýp kem đánh răng chứa ma túy được 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang về nước, bị lực lượng chức năng phát hiện.

Tiếp viên mang ma túy, phi công sử dụng ma túy

Đầu tháng 5/2023, trên mạng xã hội xuất hiện văn bản của trạm y tế thuộc Đoàn bay 919 về kết quả kiểm tra chất gây nghiện của phi công D. thuộc hãng hàng không Vietnam Airlines.

Theo đó, ngày 25/4, trạm y tế thực hiện kiểm tra sức khỏe phi công D. trước chuyến bay nhưng nam phi công từ chối kiểm tra chất gây nghiện. Ngay sau đó, trạm y tế đã phối hợp với Đội bay A321 đưa phi công D. đến văn phòng Medlatec tại 141 Ngô Gia Tự, TP Hà Nội để lấy mẫu xét nghiệm chất gây nghiện chuyên sâu cho phi công này. Kết quả test nhanh chất gây nghiện qua nước tiểu của phi công cho thấy, nam phi công này dương tính với chất ketamin.

Đến ngày 26/4, Bệnh viện Medlatec trả kết quả xét nghiệm làm theo phương pháp sắc ký - quang phổ khối. Phi công D. có đưa đến 2 thuốc giảm đau đang uống (không có đơn của bác sĩ). Tuy nhiên, hoạt chất trong thuốc giảm đau không có thành phần giống ketamin, trong quá trình chuyển hóa trong cơ thể cũng không tạo thành ketamin.

Trước lùm xùm trên, ngày 5/5, đại diện Vietnam Airlines đã lên tiếng chính thức về sự việc này, Theo đó, đại diện hãng bay này cho rằng, đây chỉ là kết quả nghi ngờ liên quan đến thành phần chất cấm sử dụng. Hiện, các cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục xét nghiệm, đánh giá, phân tích bằng các phương pháp khác nhau để có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhấn mạnh “công tác an toàn khai thác, an toàn sức khỏe hành khách và nhân viên của hãng luôn là mục tiêu quan trọng nhất” và “công tác an toàn khai thác, an toàn sức khỏe hành khách và nhân viên của hãng luôn là mục tiêu quan trọng nhất”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định mọi sai phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó không lâu, vào sáng 16/3, lực lượng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra hành lý của nhóm 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines khi nhập cảnh từ sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp) hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay số hiệu VN10.

Xác định nghi vấn, lực lượng Hải quan phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác đã đưa 4 nữ tiếp viên cùng hành lý vào khu vực riêng để soi chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng. Cụ thể, trong 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên, lực lượng chức năng tìm thấy 11,4kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp, gồm 8.400 gram viên nén màu xám, 3.080 gram chất bột màu trắng, tất cả các mẫu thử đều là ma túy.

Nhóm tiếp viên khai rằng, khi ở Pháp đã được một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay" một số hàng hóa về nước và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá bận việc, họ chỉ kiểm tra vài tuýp kem, không thấy có gì bất thường. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Công an TP.HCM đã khởi tố 65 bị can thuộc 22 vụ án liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy về sân bay Tân Sơn Nhất.

Tăng cường cơ chế giám sát của tập thể là giải pháp để ngăn chặn sai phạm của nhân viên trong lĩnh vực hàng không.

Tăng cường cơ chế giám sát của tập thể là giải pháp để ngăn chặn sai phạm của nhân viên trong lĩnh vực hàng không.

Cơ chế giám sát tập thể

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị phát hiện vận chuyển hàng cấm. Vậy tại sao những sai phạm nghiêm trọng này lại liên tục tái diễn trong nhiều năm, bất chấp chế tài pháp lý đối với những hành vi trên là rất nặng, đồng thời hàng rào kiểm soát an ninh hàng không luôn được đánh giá là vô cùng khắt khe, chặt chẽ?

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn hành vi phạm tội trên, ngoài chế tài pháp lý cần phải nâng cao công tác quản lý, giám sát về mặt con người, trong đó quan trọng nhất là giám sát tập thể trong môi trường làm việc của ngành hàng không.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhận định, việc các tiếp viên hàng không, phi công của Vietnam Airlines bị phát hiện sai phạm trong thời gian qua (vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy và nam phi công nghi vấn sử dụng ma túy – PV) bắt nguồn từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống.

Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, tiếp viên hàng không và phi công là những công việc có thu nhập cao so với mặt bằng chung hiện nay. Nhưng thu nhập cao, có mức sống cao dễ dẫn đến sự tha hóa về lối sống, đạo đức nếu không có ý thức tự tu rèn bản thân và sự giám sát của tập thể, cộng đồng. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặc biệt đánh giá cao vai trò của tập thể trong việc giám sát cũng như định hướng đạo đức, lối sống của các cá nhân trong môi trường làm việc, nhất là những công việc có nhiều đặc thù như hàng không.

“Cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của tập thể. Xây dựng cơ chế giám sát chéo giữa các cá nhân trong tập thể các phi công, tiếp viên hàng không” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Chuyên gia hàng không này nhận định, từ kết quả điều tra của cơ quan công an đối với vụ 4 tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vận chuyển ma túy, có thể thấy trước khi bị phát hiện, rất có khả năng họ đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ.Với hệ thống giám sát vô cùng chặt chẽ của an ninh hàng không, tại sao họ vẫn có thể thực hiện trót lọt? Rõ ràng đây không phải hành vi mà một vài cá nhân có thể thực hiện được mà có cả một đường dây cùng tham gia. Bởi thể, muốn phát hiện, ngăn chặn sai phạm từ ban đầu, vai trò của giám sát tập thể là rất quan trọng.

“Giám sát ở đây không chỉ là phát hiện và tố giác những sai phạm của các cá nhân trong tập thể mà cao hơn là giám sát để hiểu nhau, sớm nhận ra những khó khăn, cám dỗ mà đồng nghiệp đang phải đối mặt để có sự khuyên nhủ, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, cám dỗ” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Nhằm tăng cường kỷ cương, hiệu quả và hiệu lực của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã yêu cầu các doanh nghiệp có nhân viên hàng không quy định trách nhiệm, xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị, người phụ trách thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khi để xảy ra vụ việc.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-suc-manh-giam-sat-tap-the-trong-linh-vuc-hang-khong.html