Phát huy sức mạnh nội sinh trong kỷ nguyên mới

Ngày 1/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để văn hóa đi vào cuộc sống, biến thành sức mạnh nội sinh, cần xác định và giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành, có nguồn lực phù hợp, tránh đầu tư dàn trải...

Một điệu múa dân gian độc đáo được biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: Quang Vinh.

Một điệu múa dân gian độc đáo được biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: Quang Vinh.

Đến năm 2030 công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ông Hùng, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác. Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng.

Trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể đạt vào năm 2030, ông Hùng đưa ra mục tiêu phấn đấu toàn bộ đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa thể thao đạt chuẩn, đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn... Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Đến năm 2035, Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước...

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Cụ thể là mục tiêu phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

Cũng theo ông Vinh, có một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn. Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Nghiên cứu xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Theo ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang), chương trình định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa với sản phẩm cụ thể đến năm 2030 phấn đấu đóng góp vào 7% GDP và 8% vào năm 2035. Phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh của con người và xã hội Việt Nam.

Bởi vậy, ông Sinh cho rằng, về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế, nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. “Hàn Quốc vẫn có trung tâm văn hóa ở Việt Nam để họ giới thiệu, lan tỏa và quảng bá văn hóa của họ. Tại sao chúng ta lại không làm như vậy ở nước ngoài?” - ông Sinh bày tỏ.

ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) nhất trí về chủ trương đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công, nhưng đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác để dành nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu khác của chương trình.

Từ đó, bà Nga đề nghị, trong việc sửa đổi Luật Đầu tư công trình tại kỳ họp này thì Chính phủ cần bổ sung vào nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng là các xã an toàn khu, vùng an toàn khu. “Nếu được bổ sung vào đối tượng ưu tiên thụ hưởng sẽ góp phần quan trọng cho việc phát huy truyền thống lịch sử giáo dục truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” - bà Nga nói.

Còn ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) nêu quan điểm, việc xây dựng trung tâm văn hóa tại các nước là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người văn hóa, đồng thời đóng góp cho quá trình thu hút đầu tư thương mại, du lịch, lan tỏa hình ảnh của các quốc gia và tạo sức mạnh mềm của đất nước, cũng như của dân tộc. Đây cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng là nhu cầu của cộng đồng văn hóa, văn hóa của người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tìm hiểu thêm Việt Nam cũng như là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là một nhận thức đúng đắn từ trước.

Tuy nhiên, bà Hương đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm, trước mắt cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa việc bảo tồn, truyền bá các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam. “Thông qua văn hóa góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người của người Việt Nam cả trong nước cũng như tại nước sở tại” - bà Hương nói.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035. Ảnh: Quang Vinh.

Tránh đầu tư dàn trải

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) nói rằng, để văn hóa đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, biến thành sức mạnh nội sinh, nhận thức và sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng. Do đó, cần xác định và giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, nguồn lực phù hợp, tránh dàn trải, phù hợp với văn hóa vùng miền của từng địa phương, sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành và để việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.

Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), việc đầu tư các dự án bảo tồn di sản văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể là rất quan trọng. Từ đó, chương trình cần có thêm các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển các thiết chế văn hóa đồng bộ, nâng cao hiệu quả truyền thông và giáo dục văn hóa, đặc biệt hướng đến đối tượng người lao động và người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các dự án thực sự cấp bách và có khả năng tác động lớn đến phát triển văn hóa để thực thi tốt chương trình. “Cần nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ các cấp từ trung ương đến địa phương. Việc hợp tác giữa các quốc gia phát triển trong lĩnh vực văn hóa và học hỏi kinh nghiệm của họ có thể giúp nước ta phát triển bền vững trong lĩnh vực này”- ông Bình kiến nghị.

Đặt vấn đề “tại sao người dân Việt Nam thông minh, cần cù, nước ta được thiên nhiên ưu đãi mà chưa phát triển đúng tiềm năng”, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) nêu quan điểm, cần tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội. Sách sẽ giúp nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức, có cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư tật xấu. Từ đó hình thành trong mỗi người cách nghĩ tích cực hướng tới cái đẹp... Đây chính là góp phần vào xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.

ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) thì đưa ra đề xuất, trong bối cảnh công nghệ thông tin kết hợp với giá trị văn hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ trong chương trình cần bổ sung thêm một nội dung để có cơ sở bố trí nguồn lực. Đó là xây dựng và triển khai được tối thiểu từ 1 đến 2 dự án nhân văn số để tăng cường nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh và giá trị của thương hiệu Việt Nam.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề quyết định sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia này. Vì vậy bên cạnh nguồn lực trung ương, địa phương, chương trình đã tính toán đến việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách và cũng tăng thêm phần trách nhiệm cộng đồng xã hội trong việc thực hiện thành công của chương trình.

“Tổng kinh phí là hơn 256.000 tỷ đồng, tôi đề nghị rà soát, đánh giá khả năng huy động tài chính, khả năng bố trí tài chính và việc giải ngân vốn. Với một tâm thế của người sinh ra và lớn lên trên vùng đất di sản Cố đô, yêu văn hóa truyền thống trong dòng chảy của thời đại, tôi ủng mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ sớm thực tiễn hóa để không ngừng vun đắp sức mạnh nội sinh của người dân đất Việt trong kỷ nguyên mới hôm nay” - bà Sửu bày tỏ.

Ngày họp thứ 11 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng: Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

* Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe các nội dung: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều: Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-huy-suc-manh-noi-sinh-trong-ky-nguyen-moi-10293622.html