Phát huy sức vóc và chất xám thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới trong kỷ nguyên mới
Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nêu rõ, trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, chắc chắn việc xây dựng nông thôn cũng sẽ có nhiều yêu cầu cao hơn. Điều này đòi hỏi xác định tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn mới, từ đó xác định nhiệm vụ cụ thể của tổ chức Đoàn. Cách thiết kế hoạt động phải phát huy tối đa lực lượng thanh niên cả về sức vóc và chất xám.
Ngày 17/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả Đoàn Thanh niên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất định hướng giai đoạn 2026 - 2030.
Dự hội nghị có anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam. Cùng đại diện các tỉnh, thành đoàn và đoàn viên thanh niên tiêu biểu trên cả nước.

Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả Đoàn Thanh niên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lâm Đăng Hải
Dấu ấn áo xanh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Trong 5 năm qua, Đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo của thanh niên. Các hoạt động được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần quan trọng vào thành quả chung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Màu xanh tuổi trẻ đã ghi dấu ấn trong nhiều nội dung của chương trình, từ tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về xây dựng nông thôn mới, đến xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường, phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số.
Nhiều mô hình, phần việc hiệu quả góp phần xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường, như mô hình “Làng xanh”, “Hàng cây thanh niên”; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn văn hóa. Hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, hệ thống điện chiếu sáng được xây dựng, sửa chữa.

Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam và anh Nguyễn Kim Quy - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Mặt trận Thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng
Những con số trong xây dựng nông thôn mới:
- Trồng được 82,5 triệu cây xanh; chăm sóc, duy trì và trồng mới hơn 269 nghìn km đường hoa thanh niên; sửa chữa hơn 80 nghìn km đường giao thông nông thôn, làm mới hơn 4 nghìn km đường giao thông nông thôn; triển khai hơn 8,9 nghìn km đường thắp sáng đường quê;
- Hỗ trợ xây dựng 1.485 cầu giao thông nông thôn; xây mới 6.481 nhà nhân ái; trao tặng và xây mới 1.888 nhà khăn quàng đỏ; xây dựng mới 4.237 nhà vệ sinh. Xây mới 345 nhà văn hóa và sửa chữa 2.239 nhà văn hóa.
- Thành lập 3.500 tổ công nghệ số cộng đồng
- Gần 2.000 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3, 4 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử,
- Hơn 8.000 lượt tư vấn và tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật
- Hơn 6.200 mô hình kinh tế được hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật và tư vấn, đồng thời tạo điều kiện cho các hợp tác xã và tổ hợp tác thanh niên phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Kim Quy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng
Xây dựng "làng quê đáng sống"
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện có nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Ban Chỉ đạo UBND huyện đã tạo điều kiện trong việc triển khai các mô hình, phần việc gắn với xây dựng nông thôn mới. Các cấp bộ Đoàn của huyện đã thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn như: tiếp nhận thanh niên tình nguyện Hè; mô hình dòng sông không rác, thắp sáng đường quê, xây cầu hy vọng…
“Những mô hình này không chỉ giải quyết những vấn đề thiết thực của địa phương, còn nâng cao ý thức cộng đồng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong phát triển nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, mô hình “làng quê đáng sống” được T.Ư Đoàn triển khai thí điểm Ấp 1 (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), qua 3 năm triển khai đã thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Ngoài nguồn lực T.Ư Đoàn, tỉnh Đoàn, huyện đã tranh thủ các nguồn lực để tập trung đầu tư thêm cho làng quê này.
Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Huyện Đoàn tích cực tham mưu lãnh đạo huyện ủy phối hợp với các ngành liên quan, vận động người dân chủ động tham gia các phần việc xây dựng làng quê đáng sống ngày càng đẹp, khang trang. Đến nay, các tuyến đường đã sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn; nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường…
“Ngoài hiệu quả kinh tế, môi trường, mô hình làng quê đáng sống đã còn bảo vệ văn hóa, hình thành nếp sống mới văn minh, thể hiện tinh thần đổi mới từ cơ sở. Hiện nay khu vực này đã hình thành hợp tác xã để quản lý, khai thác hiệu quả mô hình trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười.
Để phát huy vai trò thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Hiệp đề xuất cần tiếp tục lan tỏa tinh thần xung kích của thanh niên, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; đẩy mạnh vai trò thanh niên trong chuyển đổi số ở nông thôn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử; khuyến khích và tạo điều kiện để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, chế biến nông sản, dịch vụ nông thôn; đào tạo, chuyển giao công nghệ…

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất từ chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ Đoàn. Ảnh: Xuân Tùng
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế, khó khăn trong triển khai, thực hiện Chương trình; đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục và chia sẻ bài học kinh nghiệm.
Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến từ nhiều góc nhìn của chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ Đoàn. Qua báo cáo và ý kiến, hội nghị đã có nhìn tổng thể, rõ nét hơn những kết quả triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và đóng góp của tổ chức Đoàn, thanh niên.
“Từ các kết quả đạt được, thanh niên góp phần quan trọng trong thành công chung của xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, anh Lâm nói và ghi nhận thêm “có nhiều con số ấn tượng”.
Anh Lâm lưu ý, trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, chắc chắn việc xây dựng nông thôn cũng sẽ có nhiều yêu cầu cao hơn về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần. Điều này đòi hỏi xác định tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn mới, từ đó xác định nhiệm vụ cụ thể của tổ chức Đoàn.
"Cách thiết kế hoạt động phải phát huy tối đa lực lượng thanh niên cả về sức vóc và chất xám", anh Lâm nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng
Anh Lâm đề nghị, tiếp tục nâng cao nhận thức của Đoàn và xác định tham gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn; phát huy vai trò xung kích sáng tạo của thanh niên trong nâng cao nhận thức đoàn viên thanh thiếu nhi và người dân về ý nghĩa, yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tập trung truyền thông về lợi ích liên kết vùng, mở rộng địa bàn tạo động lực phát triển mới, giảm chênh lệch vùng miền góp phần thực hiện công bằng xã hội; tuyên truyền cách làm mới, sáng tạo…




Nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng tạ hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn đã tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, có 22 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Chương trình; 4 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu, triển khai, thực hiện Chương trình; 3 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền Chương trình.
Trong đó, có Báo Tiền Phong và 3 cá nhân gồm: Phóng viên Nguyễn Thị Thảo – Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ; phóng viên Lê Đức Anh – Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại khu vực Tây Bắc Bộ; phóng viên Trương Hòa Hội - Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.