Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể - Bài 1: Xu hướng tất yếu
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về 'Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới', Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả như ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các hợp tác xã giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Đặc biệt, Hà Nội còn phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2023-2025. Bên cạnh những kết quả đạt được, các hợp tác xã cũng còn gặp nhiều khó về nguồn vốn, đất đai, nguồn nhân lực, năng lực quản lý... Trong khi đó, khâu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã lại gặp nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức.
Bài 1: Xu hướng tất yếu
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ đã giúp các hợp tác xã nâng cao giá trị kinh tế, tạo chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường hiện nay. Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu giúp các hợp tác xã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Do vậy, nhiều hợp tác xã đã quan tâm tới ứng dụng công nghệ số, nền kinh tế hàng hóa, thương mại điện tử... trong chiến lược phát triển của mình.
Tăng giá trị sản phẩm
Một sản phẩm độc đáo vừa có thể làm ống hút vừa có thể xào, luộc, nhúng lẩu, thậm chí là chiên thành các loại snack tạo ra những món ăn giàu dinh dưỡng và lạ miệng của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (thôn Đại Mạch, huyện Đông Anh) đã có mặt tại nhiều chuỗi quán cà phê, khách sạn, nhà hàng trong nước, bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…
Anh Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng cho biết, đơn vị đã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ. Nhờ vùng nguyên liệu lớn được sản xuất theo hướng công nghệ cao nên đã giúp hợp tác xã giảm chi phí đầu vào, sản xuất ra loại ống hút có nguồn gốc từ rau, củ quả thay thế ống hút nhựa để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hợp tác xã còn sử dụng nguồn nguyên liệu từ các loại hạt ngũ cốc, tinh bột nhưng đều bảo đảm chất lượng.
Theo anh Tám, không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ống hút 100% bằng nguyên liệu hữu cơ, mà dây chuyền sản xuất được chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ số vào xây dựng tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR để đưa lên sàn thương mại điện tử. Thông qua đó, lượng tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã được tăng cao.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng, ống hút từ rau củ quả sạch sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng ý thức rất cao về vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế dùng sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Theo ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hương Ngải, huyện Thạch Thất, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn nên các loại rau phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, được người tiêu dùng đánh giá cao. Trong sản xuất, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cảnh báo thời tiết iMetos, giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động.
Hợp tác xã cũng đã quản lý điện tử trong thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng. Hàng năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn khoai tây chất lượng cao cùng các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như rau ngót, rau muống… doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Hữu Cường ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cho biết, với diện tích khoảng 2 ha trồng hoa công nghệ cao trong nhà lưới, hoa sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm, gia đình ông thu từ 1-2 tỷ đồng/ha... nhờ thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Thạch Thất đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống; góp phần tạo môi trường sống trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân và cân bằng hệ sinh thái. Hiện toàn huyện có 5 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao như nuôi lợn rừng, trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12 ha ở xã Yên Bình, 15 ha ở xã Yên Trung; trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, trồng hoa lily 12 ha, trồng hoa đồng tiền và một số loại hoa khác ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dù còn nhỏ nhưng đã phát huy hiệu quả kinh tế rất lớn và tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới Hà Nội cho biết, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Hà Nội là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho sản phấm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Đồng thời, triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm.
Đổi mới công nghệ
Ứng dụng công nghệ số được coi là nhân tố quan trọng, bước đột phá trong phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh trên cả nước còn thấp nên kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp chưa phát huy được nội lực trong bối cảnh hội nhập...
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, việc chuyển đổi số vẫn còn chậm và nhỏ lẻ. Đến nay, trong số 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Các hợp tác xã này cũng chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng…
Để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận công nghệ số, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND về Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm minh bạch, chính xác.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cho biết, thành phố tập trung vào xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, liên minh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kinh phí... Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp về công nghệ tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thành viên hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai, đề xuất thành phố có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các hợp tác xã cũng cần phải chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị, kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến sâu, kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để các hợp tác xã phát triển theo kịp xu hướng của xã hội, bắt nhịp thị trường. Đây cũng là đòn bẩy để các hợp tác xã phát huy nguồn lực kinh tế tập thể, xây dựng nông dân công nghệ số, tạo nguồn lực kinh tế khu vực nông thôn, chủ động thích ứng với những biến động về thị trường, dịch bệnh…
Để giúp hợp tác xã tiếp cận công nghệ số, chuyển đổi số thì Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố cũng như có sự liên kết giữa hợp tác xã của các tỉnh, thành phố với nhau để cùng nhau phát triển mạnh mẽ - ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.