Phát huy tiềm năng đổi mới sáng tạo trong công nhân lao động
Lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) được xác định là nòng cốt để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Điều này được thể hiện qua tinh thần làm việc trách nhiệm, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: T.My
Nhiều CNLĐ đã vượt khó vươn lên, tiếp cận nhanh công nghệ 4.0 và khẳng định bản thân ở các lĩnh vực công tác.
Lực lượng then chốt tại doanh nghiệp
Đồng Nai hiện có trên 700 ngàn CNLĐ làm việc tại các khu công nghiệp. Thời gian qua, bằng sự năng động, nhạy bén, đội ngũ CNLĐ không những nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, khẳng định vai trò chủ chốt của CNLĐ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mục tiêu đổi mới của DN.
Các DN đều khẳng định, sự phát triển của DN không thể thiếu những đóng góp của CNLĐ trong việc đồng hành và gắn bó. Đặc biệt, khi DN ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất để duy trì và phát triển thì nguồn nhân lực được xem là yếu tố quan trọng để điều khiển các dây chuyền sản xuất hiện đại. Thực tế, DN sẽ đối mặt với nhiều thử thách nếu thiếu nguồn nhân lực chất lượng và có tay nghề. Việc CNLĐ chủ động thay đổi tư duy, trang bị kỹ năng cần thiết để làm chủ máy móc đã thể hiện rõ sự quyết tâm, nghiêm túc trong công việc.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mỗi CNLĐ cần chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, sáng tạo trong công việc hàng ngày. Chỉ khi mỗi CNLĐ nhận thức rõ vai trò của đổi mới sáng tạo thì sức mạnh đoàn kết, nâng cao năng suất việc làm mới được phát huy tối đa.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronic (thành phố Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho hay, công nhân là lực lượng trực tiếp vận hành máy, hiểu rõ thực tiễn sản xuất nên dễ dàng phát hiện những bất cập, điểm nghẽn để cải thiện. Tại DN, năm 2024, CNLĐ đã đóng góp hơn 340 sáng kiến, làm lợi cho DN 16,2 tỷ đồng. Cụ thể như thiết kế các robot nhúng chất hàn, robot cắt flex, robot lắp ráp tự động… Các cải tiến có tính thực tiễn cao, dễ ứng dụng ngay, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Rõ ràng, khi CNLĐ đổi mới sáng tạo giúp DN phát triển bền vững, đồng thời bản thân họ cũng được nâng cao trình độ, thu nhập. Hàng năm, những đóng góp của CNLĐ không chỉ giúp DN đảm bảo kế hoạch sản xuất, khẳng định thương hiệu trên thị trường, mà còn tạo dựng uy tín cho các DN trong tiến trình xây dựng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, lực lượng công nhân ổn định và tay nghề cao giúp DN duy trì hoạt động sản xuất lâu dài, thích ứng với những thay đổi của thị trường và công nghệ.
Anh Nguyễn Quốc Sự, công nhân Công ty CP Đồng Tiến (thành phố Biên Hòa), là điển hình cho sự nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất. Anh Sự chia sẻ: “Việc nghiên cứu rút ngắn công đoạn sản xuất mà sản phẩm làm ra vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng là cần thiết. Với suy nghĩ đó, tôi tìm tòi, đưa ra các ý tưởng cải tiến hợp lý nhất với mục tiêu tăng sản lượng, giảm sức lao động cho CNLĐ”.
Để công nhân lao động không ngừng đổi mới sáng tạo
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, thời gian qua, CNLĐ Đồng Nai đã khẳng định vai trò sáng tạo của mình qua các phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều đề tài được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, mang lại hàng tỷ đồng giá trị làm lợi mỗi năm cho DN. Những kết quả đạt được cho thấy sự đổi mới về tinh thần làm việc tư duy, hăng say của CNLĐ trong thời điểm chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ ở các đơn vị, DN.

Công nhân lao động Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai Việt Nam (huyện Long Thành) thi đua lao động sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế như: một bộ phận CNLĐ còn thiếu tự tin trong việc đề xuất sáng kiến, môi trường làm việc ở một số nơi chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo; cơ chế khen thưởng chưa kịp thời và thỏa đáng; trình độ chuyên môn, kỹ năng ứng dụng công nghệ của CNLĐ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, CNLĐ chính là lực lượng đông đảo nhất để thực hiện tiến trình này. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của CNLĐ không còn bó hẹp trong các dây chuyền sản xuất đơn điệu mà cần được trang bị trí tuệ số, kỹ năng số để thích ứng với công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.
Theo các cán bộ Công đoàn, để phát huy hơn nữa tiềm năng đổi mới sáng tạo trong CNLĐ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, DN và các cấp, các ngành liên quan cần chú trọng nâng cao trình độ tay nghề cho CNLĐ thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, tin học; cần xây dựng môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích CNLĐ mạnh dạn đề xuất sáng kiến và ý tưởng mới.