Phát huy tinh hoa y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh cho nhân dân

Hội Đông y tỉnh hiện có hơn 800 hội viên, trong đó, nhiều lương y có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm cùng những bài thuốc hay, cách chữa bệnh hiệu quả, đã đóng góp tích cực vào công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Thời gian qua, Hội Đông y tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Hội Đông y tỉnh hiện có hơn 800 hội viên, trong đó, nhiều lương y có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm cùng những bài thuốc hay, cách chữa bệnh hiệu quả, đã đóng góp tích cực vào công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Phòng khám, chữa bệnh của bác sĩ đông y Vũ Hữu Độ ở thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) được nhiều người bệnh tín nhiệm.

Thời gian qua, Hội Đông y tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”. Các hội viên tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân góp phần tích cực vào việc kế thừa, phát huy và phát triển y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình hành nghề khám, chữa bệnh, các hội viên đều tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, luôn lấy 9 điều “Y huấn cách ngôn” của Hải Thượng Lãn Ông làm “kim chỉ nam”, từ đó tạo được niềm tin và uy tín trong nhân dân. Hội cũng quan tâm tới công tác bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên thông qua hình thức tập huấn chuyên sâu, tổ chức các buổi thảo luận, đúc kết các bệnh án hay, bài thuốc quý tạo điều kiện cho các hội viên giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, các lương y trong hội cũng thường xuyên giao lưu trao đổi kinh nghiệm hay, bài thuốc quý để truyền thụ lại cho thế hệ trẻ; duy trì và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc để giảm chi phí cho người bệnh nhưng vẫn đạt kết quả cao trong điều trị như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi và ngâm thuốc... Công tác từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho người bệnh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm chất độc da cam... cũng được các cấp Hội đẩy mạnh. Bên cạnh đó, từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng và Hội đông y tỉnh, Hội Đông y các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh; đẩy mạnh hoạt động phòng chẩn trị đông y các cấp; đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Đẩy mạnh các hoạt động khám, chữa bệnh, số lượng người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở thuộc hội đông y các địa phương ngày càng cao. Trung bình mỗi năm, Hội tham gia khám, chữa bệnh cho hơn 100 nghìn lượt bệnh nhân. Có nhiều hội viên tiêu biểu sáng về y đức, y thuật như Lương y đa khoa Lã Xuân Ngoạn (Ý Yên), Lương y Vũ Trọng Hiên (Vụ Bản), Lương y Vũ Ngọc Quang (Hải Hậu)... Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, các cấp Hội Đông y tỉnh đã triển khai hướng dẫn tạm thời nhân dân sử dụng thuốc y học cổ truyền để phòng, chống dịch; vận động hội viên Đông y tích cực chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Ngoài công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, các hội viên Hội Đông y tỉnh còn coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng những cây thuốc Nam để chữa các chứng bệnh thông thường; phát động phong trào trồng cây dược liệu trong nhân dân, nhất là trong gia đình hội viên. Hàng năm, Hội Đông y tỉnh sử dụng tới 70% thuốc Nam thu hái từ tự nhiên và trồng tại vườn để phục vụ hiệu quả công tác điều trị cho bệnh nhân. Các loại cây thuốc đang được Hội đầu tư bảo tồn, phát triển gồm: Củ gấu biển, diệp hạ châu, sâm đất, sài hồ được trồng tại nhiều địa phương; đinh lăng được trồng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy; cây ngưu tất, huyền sâm được trồng ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực; cây cát cánh trồng tại các huyện Vụ Bản, Trực Ninh; cây dây thìa canh được trồng ở các xã Hải Lộc, Hải Toàn (Hải Hậu); cây hoa hòe trồng tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội vẫn tồn tại một số khó khăn như hiện nay, cán bộ chuyên trách công tác hội chỉ đến tuyến huyện, chưa có tuyến xã; chế độ đãi ngộ cán bộ hội tuyến cơ sở chưa có; việc phát triển mạng lưới đông y, lồng ghép chi hội đông y vào trạm y tế rất khó khăn do thiếu kinh phí... Đồng chí Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân trong xu hướng tìm về phương pháp điều trị cổ truyền như hiện nay, Hội Đông y tỉnh đang tiếp tục cải tiến hệ thống chất lượng khám, chữa bệnh tại các phòng khám, chẩn trị, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lương y, tập trung phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong việc kế thừa những bài thuốc hay, kinh nghiệm quý, phương pháp mới để ứng dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho nhân dân”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5091/202206/phat-huy-tinh-hoa-y-hoc-co-truyen-trong-kham-chua-benh-cho-nhan-dan-2551182/