Phát huy tinh thần 'Ba đảm đang', xây dựng người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới

Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng những dấu ấn về phong trào 'Ba đảm đang' vẫn không hề phai nhạt, mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Kế thừa tinh thần 'Ba đảm đang', ngày nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Lãnh đạo Hội LHPN huyện Yên Khánh và Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ký kết giao ước thi đua năm 2025. Ảnh: Trường Giang

Lãnh đạo Hội LHPN huyện Yên Khánh và Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ký kết giao ước thi đua năm 2025. Ảnh: Trường Giang

Ký ức về một thời “Ba đảm đang”

Trong không khí những ngày tháng sục sôi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động trên toàn miền Bắc phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”. Phong trào đã khuyến khích, động viên phụ nữ đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Sau đó, cũng trong tháng 3/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Hội LHPN Việt Nam sửa tên thành phong trào “Ba đảm đang”, đồng thời kêu gọi: Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.

Ngay sau khi phát động, hàng chục nghìn hội viên phụ nữ trong tỉnh đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Không quản ngày đêm, bom đạn kẻ thù, chị em hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà Nguyễn Thị Cúc, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh là vợ liệt sĩ và cũng là một trong những điển hình của phụ nữ Ninh Bình tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang”. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng với bà Cúc, những kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là quãng thời gian tham gia phong trào “Ba đảm đang” tại địa phương.

Bà kể: Khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động trên toàn miền Bắc phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”, xã Khánh Nhạc đã chọn xóm 4 làm điểm và nhân ra diện rộng. Lúc ấy, với vai trò Hội trưởng phụ nữ xã, bà Cúc trực tiếp xuống cơ sở họp triển khai phong trào và cũng là người đầu tiên viết đơn đăng ký đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”.

Nhìn thấy bà gương mẫu đi đầu, nhiều chị em có chồng, con đi bộ đội, các đội trưởng đội sản xuất cũng tích cực tham gia và dần dần phong trào đã phát triển mạnh mẽ, lan rộng trên địa bàn xã. “Hồi đó, tôi cùng chị em trong xã tham gia phong trào “Ba đảm đang” hăng hái lắm. Những việc nặng nhọc trước đây chỉ có nam giới làm thì chị em phụ nữ đều cố gắng làm hết mình, không phụ lòng tin tưởng của Đảng, Chính quyền và Nhân dân.

Trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi tranh thủ mọi thời gian làm phân xanh, phân chuồng bón lúa, tuân thủ kỹ thuật gieo mạ, cố gắng chăm sóc lúa đúng khung thời vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa các giống lúa mới như Trân Châu lùn, Mộc Tuyền vào sản xuất. Nhiều năm liền, HTX Nông nghiệp của địa phương luôn là lá cờ đầu trong các HTX của tỉnh.

Cùng với tích cực sản xuất nông nghiệp, chị em còn tham gia vào Trung đội dân quân xã Khánh Nhạc. Bất cứ khi nào có lệnh của cấp trên là chúng tôi sẵn sàng tham gia trực chiến. Dù còn rất trẻ nhưng các chị em đều không sợ khó, sợ khổ, sợ chết, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, mong muốn góp sức nhỏ bé của mình cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ”- bà Cúc chia sẻ.

Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, Ninh Bình đã có hơn 100 nghìn phụ nữ, nữ thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nói về những năm tháng của tuổi trẻ khi tham gia thanh niên xung phong, bà Nguyễn Thị Phương, phố Phúc Khánh, phường Ninh Sơn, thành phố Hoa Lư không giấu được niềm xúc động.

Năm 1968, sau khi học xong lớp 10, bà Phương tiếp tục học lớp kế toán và làm kế toán viên HTX nông nghiệp tại xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh. Sau này bà tham gia và làm Trung độ trưởng Trung đội dân quân của xã. Khi đó nhiệm vụ chính của dân quân là đắp ụ súng, chặt lá ngụy trang, trực chốt, san lấp hố bom…

Đến năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà cùng với hàng nghìn nam nữ thanh niên của tỉnh đã viết đơn xin gia nhập Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. “Ngày ấy chúng tôi còn rất trẻ, có những anh chị em vừa rời ghế nhà trường, nhưng với khí thế của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đơn vị của tôi đóng quân tại Quảng Trị làm nhiệm vụ lát đá, mở đường, san lấp hố bom ở các tuyến đường (trong đó có Đường 9-Nam Lào) để thông tuyến cho xe vào chiến trường miền Nam.

Hơn 3 năm sống và làm việc ở chiến trường đầy gian khó, chiến tranh tàn khốc, có hi sinh, có mất mát, nhưng đây cũng là những năm tháng đẹp nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc đời, bởi chúng tôi đã sống hết mình cho Tổ quốc thân yêu”- bà Phương chia sẻ.

Có thể thấy, phong trào “Ba đảm đang” đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trí tuệ, tài năng của phụ nữ, tạo ra một phong trào mạnh mẽ, sôi nổi chưa từng thấy. Cùng với phụ nữ, nữ thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phụ nữ ở hậu phương vừa đảm đang sản xuất, công tác, nuôi dạy con, vừa tích cực tham gia dân quân tự vệ và trực tiếp chiến đấu, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, giúp đỡ bộ đội... Khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã khắc sâu vào ý thức, được thể hiện bằng hành động của mỗi phụ nữ.

Trong sản xuất, chị em phấn đấu đảm bảo ngày, giờ công, tăng năng suất lao động, thực hiện hiệu quả khẩu hiệu “mỗi người làm việc bằng hai”, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, đem lại cuộc sống hòa bình cho Nhân dân.

Xây dựng người phụ nữ thời đại mới

Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, trong suốt 60 năm qua, phụ nữ Ninh Bình đã hăng hái thi đua đóng góp vào thành công chung trên mọi lĩnh vực. Nhất là trong thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương Hội phát động đã tạo động lực, thôi thúc các tầng lớp phụ nữ phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết, động viên nhau tích cực học tập, cải tiến phương pháp làm việc, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, công tác đạt hiệu quả cao và tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đồng chí Đào Thị Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần phong trào “Ba đảm đang” được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh vận dụng sáng tạo, phát huy phù hợp với tình hình thực tế. Các phong trào được phát động, tổ chức thiết thực, hiệu quả và hướng về cơ sở. Mỗi phong trào, hoạt động của tổ chức Hội đều có sức lan tỏa, đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu chính đáng cũng như nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ.

Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới” với các tiêu chí: “có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; có lối sống thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách”. Việc triển khai phong trào được các cấp Hội triển khai gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương, của Hội một cách bài bản, phù hợp, chất lượng.

Phong trào khơi dậy khát vọng cống hiến và thu hút 100% tổ chức hội, trên 90% cán bộ, hội viên hưởng ứng bằng nhiều mô hình, chương trình ý nghĩa, như: “Nhà sạch, đường đẹp”, “Đường cây/đường hoa phụ nữ”, “Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”, “Ngày thứ Bảy xanh”, “Ngày Chủ nhật sạch”, “10 phút sạch nhà, sạch ngõ”, “Phụ nữ sống xanh”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”....

Hàng nghìn công trình, phần việc được các cấp Hội đăng ký và triển khai thực hiện có hiệu quả như: Tặng quà, xây dựng mái ấm tình thương cho các gia đình chính sách, cán bộ, hội viên, phụ nữ khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; làm tốt công tác hậu phương quân đội, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, khó khăn…

Qua phong trào, phụ nữ Ninh Bình đã nhận thức sâu sắc hơn vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, luôn năng động, sáng tạo, vươn lên trong cuộc sống và trở thành lực lượng quan trọng trong các lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch….

Nhiều điển hình phụ nữ đã phát huy thế mạnh địa phương, sáng tạo làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Mặt khác, phụ nữ Ninh Bình ngày càng ý thức được trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội... Phụ nữ trên địa bàn tỉnh giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Nhiệm kỳ 2020- 2025, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 20%, quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt 21,4%. Ninh Bình là tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đứng trong tốp đầu cả nước (đạt 50%). Tổng số cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 52 đồng chí, trong đó nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh từ Phó Giám đốc các sở, ngành, đoàn thể trở lên là 36 đồng chí; nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện là 92 đồng chí.

Kế thừa phong trào “Ba đảm đang”, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với thực hiện chủ đề năm 2025 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam: “Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Chủ đề Công tác năm của Tỉnh ủy: “Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương, đổi mới sáng tạo, tăng tốc bứt phá”; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho các cấp hội, cán bộ, hội viên phụ nữ.

Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia nền kinh tế số, kinh tế xanh, thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-tinh-than-ba-dam-dang-xay-dung-nguoi-phu-nu-ninh-025791.htm