Phát huy tinh thần đoàn kết trong bảo vệ và gìn giữ rừng

Những khu rừng đại ngàn cổ kính như Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu Bảo vệ cảnh quan Thác Giềng là “kho tàng” với hệ động thực vật đa dạng, phong phú luôn được bảo vệ hiệu quả, an toàn. Góp phần vào thành quả đó là những cộng đồng dân cư sống chung với rừng đang từng ngày sát cánh cùng lực lượng Kiểm lâm giữ gìn màu xanh mà “mẹ thiên nhiên” ban tặng.

Người dân đồng bào Mông, thôn Khau Qua (Nam Mẫu, Ba Bể) cùng chiến sĩ Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Người dân đồng bào Mông, thôn Khau Qua (Nam Mẫu, Ba Bể) cùng chiến sĩ Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tính đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Ba Bể, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về gìn giữ rừng tới mọi tầng lớp nhân dân, khách du lịch, học sinh, sinh viên. Cùng với đó, các tổ nhóm cộng đồng dân cư đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ và gìn giữ Vườn Quốc gia Ba Bể. Với những công việc cụ thể như: Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng hằng tuần, hằng tháng; vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, tạo không gian trong lành. Đồng thời, tổ chức trồng rừng phân tán, trồng rau bồ khai, trồng cây dược liệu. Khai thác có kiểm soát những giá trị đa dạng sinh học phục vụ lợi ích của con người như du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Ba Bể, các dịch vụ môi trường rừng, đánh bắt cá bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Anh Lý A Thán- Bí thư Chi bộ thôn Khau Qua, xã Nam Mẫu (Ba Bể) chia sẻ: Thôn Khau Qua nằm trong vũng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, 52 hộ trong thôn đều tham gia khoán bảo vệ rừng. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, lại sinh sống ngay dưới tán rừng gỗ nghiến, nhưng do được cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền thường xuyên nên người dân đều có ý thức đoàn kết, tuần tra bảo vệ rừng. Từ chục năm nay, trong khu vực thôn không xảy ra vụ khai rừng trái phép nào.

Nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rì), hàng chục nhà họp thôn, cầu đường bê tông, hệ thống nước sạch... được xây dựng mới từ nguồn vốn phát triển rừng đặc dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống của người dân. Trưởng thôn Lũng Vai, xã Côn Minh, ông Dương Văn Hội cho biết: Cả thôn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, mặc dù số tiền bảo vệ không lớn nhưng người dân được hưởng lợi từ rừng như lấy chất đốt, hái măng, lấy mật ong... Cùng với đó, từ nguồn vốn phát triển rừng đặc dụng của Chính phủ, đời sống của người dân trong thôn từng bước được cải thiện, ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam” được tổ chức Traffic International (là tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới hoạt động trên phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ động, thực vật hoang dã) tại Việt Nam tài trợ thông qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ sinh kế cho người dân nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức và buôn bán không bền vững nguồn tài nguyên dược liệu. Trong quá trình thực hiện dự án, cộng đồng dân cư đã thành lập được 01 tổ hợp tác và 15 nhóm thu hái dược liệu bền vững. Từ lợi ích cụ thể, người dân càng có ý thức, đoàn kết đồng lòng bảo vệ rừng và khai thác phụ phẩm từ rừng đặc dụng một cách khoa học, hiệu quả.

Trên tuyến Quốc lộ 3B, từ giữa đèo Áng Toòng, đi theo con đường bê tông cỡ chừng 2km, chúng tôi đặt chân đến khu rừng nghiến quý hiếm Nà Noọc thuộc Khu Bảo vệ cảnh quan Thác Giềng. Cách đường cỡ chừng trăm mét, những cây nghiến cổ thụ dễ tới hàng nghìn năm tuổi sừng sững giữa rừng xanh, bộ rễ sần sùi, u mấu cắm sâu vào núi đá. Từng cây được đánh dấu thứ tự để dễ quản lý. Anh Bàn Văn Thanh- Bí thư Chi bộ thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn (Chợ Mới) chia sẻ: Công tác bảo vệ rừng rất thuận lợi vì đồng bào Dao nơi đây đồng lòng không chặt nghiến mà chỉ khai thác củi khô, thu hái vật phẩm ngoài gỗ. Việc tuần rừng được tổ nhận giao khoán thực hiện mỗi tháng 2 lần.

Vị trí rừng Nà Noọc cũng đặc biệt, phía ngoài là thôn Nặm Dất, phía trong là thôn Nà Khu. Người dân Nà Khu hằng ngày phải đi lại trên con đường độc đạo này. Cùng với đó, người dân Nặm Dất thì sản xuất, chăn nuôi trong khu vực. Do vậy, rừng nghiến Nà Noọc luôn trong tầm nhìn của người dân hai thôn. Thực tế cho thấy, mặc dù đời sống của đồng bào Dao thôn Nặm Dất và Nà Khu còn rất nhiều khó khăn, nhưng bà con đều chung sức, đồng lòng bảo vệ an toàn rừng nghiến ngay gần đường Quốc lộ. Từ năm 2015 đến nay chưa để xảy ra vụ khai thác rừng nào là điều rất đáng ghi nhận.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: Khi mà cả một kho tàng gỗ quý luôn trong tầm ngắm của “lâm tặc” thì việc gìn giữ thành công những cánh rừng chỉ có một cách duy nhất là dựa vào dân. Trên quan điểm đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động, gắn bó với cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc đụng; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự thân thiết, tin cậy để người dân hỗ trợ, chia sẻ gian nan, vất vả khó nói hết bằng lời, tích cực cùng lực lượng Kiểm lâm quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202206/phat-huy-tinh-than-doan-ket-trong-bao-ve-va-gin-giu-rung-6e8074a/