Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để Đồng Nai mới phát triển: Bài cuối: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế
Tỉnh Đồng Nai rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực có kỹ năng cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế và ứng dụng phát triển khoa học, công nghệ (KHCN).

Sinh viên các trường đại học tại Đồng Nai giới thiệu những mô hình, sản phẩm công nghệ số bên lề một hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo do Sở Khoa học và công nghệ tổ chức vào tháng 4-2025. Ảnh: Hải Quân
Tỉnh quan tâm đến việc mở rộng hợp tác, trong đó ưu tiên tăng cường liên kết với các viện, trường, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực và nâng cao năng lực.
Liên kết đào tạo nhân lực về công nghệ cao
Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp. Đây được xem là yêu cầu cấp thiết đáp ứng việc ứng dụng phát triển KHCN, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tỉnh Đồng Nai và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các chương trình hợp tác, hướng tới phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - viện/trường - địa phương theo nhu cầu của tỉnh.
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, PGS-TS Vũ Hải Quân chia sẻ, Đồng Nai đặt ra các mục tiêu cao, với một tầm nhìn dài hạn về phát triển KHCN. Để phát triển đột phá về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Đồng Nai phải có cách làm mới, tư duy mới, hành động mới, dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo cũng như chuyển đổi số để tạo ra sự phát triển bền vững.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC chia sẻ, Đồng Nai chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài đến tỉnh sinh sống và làm việc. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhằm đạt chuẩn quốc tế, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng lao động một cách bền vững.
“Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn đồng hành cùng với tỉnh Đồng Nai trong việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo” - PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Các nhà khoa học, giảng viên của Đồng Nai tham quan, tìm hiểu về công nghệ sản xuất chíp bán dẫn tại CT Inovation Hub (Thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 5-2025. Ảnh: Hải Quân
Theo Sở KHCN, đơn vị chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong DN. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mới đây nhất, vào tháng 5-2025, Sở KHCN phối hợp với Viện Phát triển năng lực lãnh đạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực thiết kế vi mạch, công nghệ vi chế tạo linh kiện bán dẫn, linh kiện vi cơ điện tử - vi hệ thống. Đây chính là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nhân lực có năng lực chuyên sâu, góp phần đưa Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ số bền vững vào năm 2030.
Phó giám đốc Sở KHCN Võ Hoàng Khai bày tỏ, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực vi mạch, vi cơ điện tử, công nghệ bán dẫn giữ vai trò then chốt trong phát triển KHCN và chuyển đổi số. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi mạch và linh kiện vi cơ điện tử không chỉ góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, mà còn là nền tảng để xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao, từng bước làm chủ chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ của địa phương.
Đầu tư dài hạn để phát triển kinh tế bền vững
Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, hạ tầng giao thông được mở rộng, hoạt động sản xuất, xuất khẩu, logistics trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều động lực để phát triển. Do đó, để phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được ưu tiên hàng đầu.

Đoàn công tác gồm lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ, các nhà khoa học, giảng viên của Đồng Nai tham quan, tìm hiểu về phát triển công nghệ bán dẫn tại CT Inovation Hub (Thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 5-2025.
Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị nhận định, nguồn nhân lực sẽ yếu tố then chốt, quyết định đến sự phát triển và bứt phá của Đồng Nai. Với những lợi thế về vị trí chiến lược, Sân bay Long Thành, Cảng Phước An… thì logistics sẽ là một trong những lĩnh vực mà tỉnh cần quan tâm đầu tư về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tận dụng tối đa những lợi thế, tiềm năng phát triển, cũng như hướng tới hình thành khu thương mại tự do gắn với sân bay Long Thành, Cảng Phước An trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, nhiều trường đại học đã có những đề xuất, hợp tác với tỉnh về phát triển hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng trung tâm thí nghiệm với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tại địa phương. Đơn cử, Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao và đào tạo nguồn nhân lực logistics trên địa bàn Đồng Nai. Dự án quy mô khoảng 55 hécta, nằm trong khu vực quy hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn phường Bình Lộc.
Mục tiêu của dự án là hướng tới xây dựng trung tâm thí nghiệm trọng điểm quốc gia về đường sắt tốc độ cao, thực hành, sản xuất thực nghiệm, đầu tư kỹ thuật hạ tầng hiện đại và tiệm cận công nghệ thế giới… Từ đó, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đường sắt tốc độ cao, kỹ thuật hàng không và dịch vụ logistics tổng hợp.
Mới đây, vào tháng 6-2025, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 1576/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích khoảng 9 hécta tại phường Bình Phước. Theo lộ trình phát triển, giai đoạn 2024-2036, phân hiệu được quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 341 tỷ đồng, quy mô đào tạo dự kiến đạt khoảng 5,9 ngàn người học, trong đó có 2,8 ngàn sinh viên chính quy. Việc thành lập phân hiệu này không chỉ có ý nghĩa với nhà trường và địa phương, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.