Phát huy triệt để tiềm năng vận tải thủy

Sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường thủy, hàng hải từ đầu năm đến nay tăng trưởng hơn 10%. Kết quả này minh chứng đúng đắn cho chủ trương tái cơ cấu, phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đặc biệt là tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên nước ta của Bộ Giao thông vận tải.

Các cảng biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang hướng tới mô hình cảng xanh. Ảnh: Thọ Hữu

Các cảng biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang hướng tới mô hình cảng xanh. Ảnh: Thọ Hữu

Tăng trưởng vận tải thủy nội địa đạt 10 - 12%/năm

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTND) Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng vận tải hành khách ước đạt hơn 214 triệu lượt khách, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng vận tải hàng hóa đạt 315,7 triệu tấn, tăng trưởng 12,6%. Một số tuyến vận tải container ngày càng phát triển. Trong đó, khu vực phía Bắc, trên hành lang 1 sà lan chở container đến 128 Teus hoạt động thông suốt trên tuyến Hải Phòng - Bắc Ninh dài 120km. Từ đầu năm đến nay, đạt 35 chuyến/tuần, gấp hơn 10 lần so với năm 2018 là năm đầu mở tuyến.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 7 tháng năm 2024 tăng 16%

Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 7 tháng năm 2024 tăng khoảng 16%, ước đạt 501,117 triệu tấn. Trong đó, hàng container thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 16,902 triệu TEUs, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, hiện điểm nghẽn tĩnh không cầu Đuống trên hành lang này đang được nâng cấp lên 7m. Sau khi hoàn thành dự án, phương tiện đến 98 Teus hoạt động thông suốt trên tuyến Hải Phòng - Việt Trì dài gần 200km. Còn với hành lang 2 (Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình), hoạt động vận tải container đường thủy được triển khai từ đầu năm 2024, đến nay đạt 4 chuyến/tuần, cỡ sà lan 36 Teus.

Cũng theo Cục ĐTND Việt Nam, 10 năm qua, trung bình tăng trưởng của vận tải thủy nội địa đạt 10 - 12%/năm. Riêng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, tuyến vận tải ven biển với sản lượng thông qua gần 100 triệu tấn/năm; vận tải container kết nối đến cảng biển Hải Phòng, mới hình thành từ năm 2018 với 3 chuyến/tuần, đến nay đã đạt 35 chuyến/tuần, sản lượng hơn 135.000 Teus.

Lãnh đạo Cục ĐTND Việt Nam cũng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho vận tải container đường thủy giữa Hải Phòng - Ninh Bình, Cục ĐTND Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT cho phép phương tiện VR-SI được chạy tuyến từ cửa Văn Úc - cảng Lạch Huyện thay thế tuyến vận tải truyền thống qua các sông, kênh nội thành Hải Phòng hiện bị hạn chế tĩnh không cầu. Từ đó vừa rút ngắn được quãng đường khoảng 30km, vừa tăng được khối lượng vận chuyển. Bên cạnh đó, cũng đã tham mưu Bộ GTVT tập trung triển khai giải pháp nâng cấp các dịch vụ, thủ tục, thuế phí, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải đường thủy giữa Việt Nam và Campuchia. Cùng với đó đề nghị các địa phương giải quyết các tồn tại, vướng mắc về thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, kiểm dịch thực vật và thời gian làm việc tại cửa khẩu đường thủy quốc tế. Vì vậy, riêng hàng container thông qua tuyến đã tăng trung bình 20%/năm.

Hàng qua cảng biển liên tục tăng trưởng

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, tháng 7 vừa qua là tháng thứ 5 liên tiếp khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có mức tăng trưởng đạt từ 19% trở lên so với cùng kỳ năm trước (do cùng kỳ năm trước là những tháng có mức giảm nhất kể từ khi có dịch Covid-19). Điều này có thể cho thấy nền kinh tế đã có xu hướng hồi phục. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất nước gồm TP. Hồ Chí Minh tăng 13,4%, Vũng Tàu tăng 30%, Hải Phòng tăng 15,4%, Quảng Ninh tăng 11,7%.

Cùng với mức tăng của khối lượng hàng hóa thông qua, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng cũng tăng cao. Các khu vực có sản lượng container thông qua lớn gồm Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu đều ghi nhận mức tăng từ 10,49% đến 39% so với cùng kỳ; khu vực Đà Nẵng tăng 20,79%,...

Bên cạnh đó, để vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nhưng vẫn góp phần bảo vệ môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố Tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh. Theo đó, để được công nhận là cảng xanh, cảng biển phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Mỗi tiêu chí cụ thể có những nội dung cho các doanh nghiệp tham chiếu như: doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về cảng xanh, các chương trình thúc đẩy hoặc các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh. Các điều kiện khác cần phải đáp ứng như giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát tiếng ồn, kiểm soát ô nhiễm chất thải (lỏng và rắn), cũng như có các giải pháp giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đặc biệt, với mỗi nội dung tham chiếu có đề xuất các giai đoạn áp dụng khác nhau như giai đoạn thiết kế, giai đoạn xây dựng, giai đoạn vận hành. Sau khi đánh giá và hoàn thiện theo Biểu mẫu quy định, các doanh nghiệp cảng biển sẽ thực hiện chấm điểm. Nếu đạt số điểm từ 3,5 trở lên theo quy định, các doanh nghiệp cảng biển tiến hành công bố cảng đáp ứng các tiêu chí cảng xanh./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-huy-triet-de-tiem-nang-van-tai-thuy-157282-157282.html