Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.

Chặng đường lịch sử vẻ vang

Lời kêu gọi “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng của lý trí và trái tim của mỗi người Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lập nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quân giải phóng đánh chiếm, giải phóng Bình Thuận. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng đánh chiếm, giải phóng Bình Thuận. Ảnh tư liệu

Để đi tới thắng lợi ấy, quân, dân Bình Thuận và Bình Tuy đã liên tục tấn công và nổi dậy suốt 51 ngày đêm (8/3/1975 - 27/4/1975) giải phóng hoàn toàn quê hương, non sông thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Ngược dòng lịch sử trở về ngày 9/4/1975, lãnh đạo Quân khu VI và tỉnh Bình Thuận quyết định thành lập Ban Chỉ huy giải phóng Bình Thuận. Từ ngày 10 đến 12/4, lực lượng vũ trang của Quân khu VI, của tỉnh và huyện Hàm Thuận đánh chiếm một số mục tiêu then chốt của địch trên lộ 8, từ An Phú đến Tân An, Tân Điền... Chiều ngày 17/4/1975 huyện Tuy Phong được giải phóng. Sáng ngày 18/4/1975, các huyện Hòa Đa, Phan Lý và Hải Ninh lần lượt được giải phóng. 20 giờ ngày 18/4/1975, ta tấn công vào Phan Thiết, địch nhanh chóng tan rã, bỏ vũ khí ra đầu hàng quân giải phóng. 9 giờ sáng ngày 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Ngày 23/4/1975, Hàm Tân được giải phóng. Được sự chi viện của Đoàn 382 Hải quân, đêm 26/4/1975, Tiểu đoàn 482 của tỉnh, Đại đội 490 và một số cán bộ của huyện Tuy Phong vượt biển ra đảo Cù Lao Thu (Phú Quý). 4 giờ sáng ngày 27/4/1975, quân ta nổ súng tấn công. Sau hơn 1 giờ chiến đấu ác liệt, quân địch buông vũ khí đầu hàng. Cù Lao Thu - phần đất cuối cùng của Bình Thuận được hoàn toàn được giải phóng.

Trung tâm hội nghị tỉnh. Ảnh: N.Lân

Trung tâm hội nghị tỉnh. Ảnh: N.Lân

Sau 51 ngày đêm (8/3- 27/4/1975) liên tục tấn công và nổi dậy, quân, dân Bình Thuận và Bình Tuy đã giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên kỳ tích đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua suốt hơn 21 năm chiến đấu kiên cường, quân và dân Bình Thuận đã lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.

Vững bước đi lên

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Bình Thuận tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Sau 49 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã nêu cao bản lĩnh, khí phách anh hùng của vùng đất, con người Bình Thuận, đạt được thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn song, Đảng bộ, quân và dân Bình Thuận đã ra sức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực về mọi mặt. Kinh tế phát triển khá nhanh, tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước, tạo chuyển biến rõ nét trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế.

Đường Lê Duẩn - TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Đường Lê Duẩn - TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Đáng chú ý năm 2023, Bình Thuận đã tranh thủ tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện đạt và vượt kế hoạch 14/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Điểm sáng nhất là 3 lĩnh vực được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng. Kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng khá. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành và 4/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; kết quả này là sự tiến bộ vượt bậc khi năm 2022 chỉ tăng 7,75%, và xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thứ 10/14 địa phương trong vùng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng, tăng 5,1% so với năm 2022.

Một góc TP. Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Năm 2023, tỉnh đón 8,35 triệu lượt du khách, tăng 45,98%; doanh thu du lịch ước đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,8%, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,66%. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện, 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục được nâng lên, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu nhập bình quân đầu người tăng 5,1% so với năm 2022. Chuyển đổi số có kết quả bước đầu, tiêu biểu, thành phố Phan Thiết đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Bộ mặt đô thị, nông thôn tiếp tục được đầu tư chỉnh trang, có phần đẹp hơn, khang trang hơn trước. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững...

Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2024) và 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha anh, của đồng bào, đồng chí khắp mọi miền đất nước đã góp sức người, sức của và xương máu vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước; thêm tự hào về Tổ quốc văn hiến, về Nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ đó, nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-truyen-thong-lich-su-hao-hung-vung-buoc-xay-dung-que-huong-118243.html