Phát huy truyền thống lịch sử, nỗ lực xây dựng các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa đạt chuẩn NTM

Các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa thuộc vùng đồng bằng và bán sơn địa của tỉnh Thanh Hóa, chỉ cách TP Thanh Hóa từ 16 đến 25km về phía Tây và Tây Nam. 3 huyện có 88 đơn vị hành chính cấp xã, chiếm 15,7% số đơn vị hành chính cấp xã toàn tỉnh. Đây đều là những nơi hội tụ khí thiêng sông núi, những vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nơi ghi dấu tích của người Việt cổ gần với địa danh Núi Đọ, nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa chống giặc Ngô (thế kỷ thứ III), nơi sinh ra các anh hùng hào kiệt, các bậc khai quốc công thần, danh nhân văn hóa của dân tộc, tiêu biểu như: Dương Đình Nghệ, Đinh Lễ, Lê Văn Hưu, Lê Bật Tứ, Nguyễn Hiệu, Nguyễn Hoãn, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng (8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 70 di tích lịch sử cấp tỉnh). Suốt chiều dài lịch sử, Nhân dân 3 huyện đã đấu tranh kiên cường, bất khuất để xây dựng và bảo vệ quê hương, viết nên những trang sử vàng chói lọi.

Vùng sản xuất nguyên liệu chè của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn). Ảnh: Lê Hòa

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các huyện đều gặp không ít khó khăn. Với số xã thực hiện XDNTM nhiều, thu nhập bình quân đầu người thấp (Triệu Sơn 13,2 triệu đồng, Nông Cống 11,75 triệu đồng, Thiệu Hóa 13,4 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo đều trên 21%. Bình quân tiêu chí/xã của các huyện đạt thấp, trong đó Triệu Sơn đạt 5,3 tiêu chí/xã, Nông Cống 5,2 tiêu chí/xã, Thiệu Hóa 5,7 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, được sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm, chủ động, nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, 3 huyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, lịch sử cách mạng để triển khai, tổ chức thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và XDNTM.

Để tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện, ngay từ khi bắt đầu triển khai, các huyện đã thành lập ban chỉ đạo chương trình XDNTM cấp huyện, cấp xã và ban phát triển thôn do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để tổ chức thực hiện. Đảng bộ các huyện qua các nhiệm kỳ (từ năm 2010 đến nay) luôn xác định Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; theo đó, cấp ủy, chính quyền các huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án để lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất và đồng bộ trong cấp ủy cũng như chính quyền từ huyện đến xã, thôn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức XDNTM, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu”, ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội 3 huyện đã tập trung chỉ đạo và có các chương trình phối hợp, xây dựng kế hoạch và có nhiều cách tiếp cận phù hợp, đa dạng, sáng tạo hưởng ứng phong trào, tham gia giám sát, tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân. Hội nông dân đẩy mạnh việc vận động nông dân đổi điền, dồn thửa, hiến đất, góp công, góp sức, tiền của, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa để XDNTM. Đoàn thanh niên đảm nhận công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, phong trào thanh niên khởi nghiệp. Hội cựu chiến binh nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, hội phụ nữ vận động hội viên học tập, làm thêm những ngành nghề mới, vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và phát động thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”, “đường hoa thay thế cỏ dại”...

Cùng với triển khai có hiệu quả những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các huyện đã dành hơn 841 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và XDNTM, trong đó, huyện Triệu Sơn huy động 224,9 tỷ đồng, huyện Nông Cống huy động 516,2 tỷ đồng và huyện Thiệu Hóa huy động hơn 100 tỷ đồng. Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước các cấp, các huyện đã chỉ đạo các xã, thôn chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê tham gia đóng góp, ủng hộ XDNTM với tổng nguồn vốn huy động để XDNTM trên địa bàn 3 huyện đạt 28.122 tỷ đồng, trong đó huyện Triệu Sơn huy động tổng nguồn lực 9.752,7 tỷ đồng, huyện Nông Cống 9.239,98 tỷ đồng và huyện Thiệu Hóa 9.129 tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã khuyến khích, kích cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, tác động tích cực tới việc tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhất là việc đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, qua đó, đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, tạo điều kiện hoàn thành các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện theo hướng bền vững. Thể hiện rõ nét kết quả nổi bật sau hơn 11 năm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của 3 huyện.

Với việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các huyện cũng như nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Từ năm 2010 đến nay, 3 huyện đã đầu tư xây dựng được 117km đường huyện, 457,7km đường trục xã, liên xã, 487,5km đường trục thôn, liên thôn; 715,5km đường ngõ xóm, 8.894km đường trục chính nội đồng; 972,9km kênh liên xã và kênh mương nội đồng. Hạ tầng điện lực được đầu tư đồng bộ với 271 trạm biến áp, 497,5km đường dây trung thế, 365,4km đường dây hạ thế. Các địa phương cũng đầu tư xây dựng 81 công sở và trung tâm văn hóa - thể thao, sân vận động xã, 442 nhà văn hóa thôn, 668 phòng học và phòng chức năng, 59 khu hiệu bộ của trường học các cấp, hàng chục nghìn căn nhà được xây dựng mới. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư đồng bộ, khang trang, đạt chuẩn theo quy định.

Cùng với đó, 3 huyện cũng chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của các huyện giai đoạn 2010-2021 đều đạt trên 14%. Về sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực bình quân hằng năm của các huyện giai đoạn 2010-2021 đều đạt từ 115 đến hơn 130 nghìn tấn. Đến nay, các huyện đã chuyển đổi được hơn 5.078 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tích tụ được gần 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại cây trồng trong nhà lưới, nhà màng. 3 địa phương cũng hình thành được 16 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, với tổng diện tích trên 20.000 ha. Chăn nuôi tại các huyện đã chuyển mạnh từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi nông hộ từng bước giảm dần. Công tác quản lý dịch bệnh được các huyện đặc biệt quan tâm, nên hàng năm, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Các cơ sở chăn nuôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2021 của 3 huyện đạt từ 617 tỷ đồng đến 993,48 tỷ đồng; trong đó, Triệu Sơn 617 tỷ đồng, Nông Cống 993,48 tỷ đồng, Thiệu Hóa 918 tỷ đồng.

Các HTX dịch vụ nông nghiệp, các mô hình kinh tế trang trại ở các huyện có bước phát triển mạnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động tại chỗ. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được các huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, các huyện đã có 25 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó Triệu Sơn 12 sản phẩm, Nông Cống 8 sản phẩm, Thiệu Hóa 5 sản phẩm.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng phát triển toàn diện. Giá trị sản xuất năm 2021 trên địa bàn các huyện đạt hơn 23.000 tỷ đồng; trong đó, Triệu Sơn 10.823 tỷ đồng, Nông Cống 6.576 tỷ đồng, Thiệu Hóa 5.646 tỷ đồng. Trên địa bàn 3 huyện có 1.257 doanh nghiệp đang hoạt động (Triệu Sơn 493 doanh nghiệp, Nông Cống 480 doanh nghiệp và Thiệu Hóa 284 doanh nghiệp), trong đó, có 26 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho hơn 35.000 lao động, bảo đảm thu nhập bình quân từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Dịch vụ, thương mại tiếp tục phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình dịch vụ. Hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh tổng hợp phát triển nhanh, hệ thống chợ nông thôn từng bước đổi mới mô hình quản lý, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác.

Nhờ sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2021 của các huyện đều đạt trên 48 triệu đồng (Triệu Sơn 48,32 triệu đồng, Nông Cống 48,81 triệu đồng, Thiệu Hóa 48,38 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện giảm nhanh và bền vững, đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo huyện Triệu Sơn 0,92%, Nông Cống 0,87%, Thiệu Hóa 0,86%.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể theo tiếp tục được đẩy mạnh, hình thức ngày càng đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai sâu rộng. Các di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đã xếp hạng thường xuyên được chăm sóc, tu bổ, tôn tạo, công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc luôn được các huyện quan tâm. Tỷ lệ thôn được công nhận thôn văn hóa của 3 huyện đều thuộc hàng cao nhất tỉnh, 100% số xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Trung tâm văn hóa, thể thao các huyện đều đạt chuẩn, có 100% số xã, thôn trên địa bàn 3 huyện có trung tâm văn hóa, thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định.

Công tác giáo dục được đầu tư, phát triển mạnh, hệ thống cơ sở vật chất dạy và học được đầu tư khang trang, đồng bộ. Trên địa bàn 3 huyện có 14 trường THPT (Triệu Sơn 6, Nông Cống 5, Thiệu Hóa 3), tỷ lệ các trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa đạt 66,7%, Nông Cống đạt 60%. Tỷ lệ các cấp trường từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn các huyện đạt cao, như: Triệu Sơn 96,29%, Nông Cống 85,71%, Thiệu Hóa 93,2%. Chất lượng giáo dục, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên, hàng năm, các huyện đều có học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, phổ cập giáo dục bậc học mầm non, tiểu học và THCS ở các huyện đều đạt mức độ 2 và mức độ 3. Công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập được chăm lo phát triển rộng khắp.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chăm lo, có 100% số xã trên địa bàn 3 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; trong đó, Triệu Sơn đạt 93,02%, Nông Cống đạt 90,14%, Thiệu Hóa đạt 90,16%. Bệnh viện đa khoa các huyện đều được xếp hạng là bệnh viện hạng II, trung tâm y tế các huyện được xếp hạng đơn vị y tế hạng III.

Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh – sạch - đẹp, an toàn được chú trọng, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện. 3 huyện đã phát động trồng hơn 328km đường hoa dọc các trục đường xã, đường thôn và liên thôn, trồng trên 630.000 cây bóng mát, có 268km đường thôn, xóm được lắp điện chiếu sáng, nhờ đó, cảnh quan nông thôn luôn đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh khu vực nông thôn trên địa bàn các huyện đạt trên 98%, trong đó, hộ sử dụng nước sạch (nước máy tập trung theo quy định) đạt từ 66,67% đến 69,47%. Cụ thể, huyện Triệu Sơn có 98,85% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 66,67% số hộ có đường ống nước sạch về tận gia đình; huyện Nông Cống 98,41% sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, 69,47% hộ được sử dụng nước sạch; huyện Thiệu Hóa có 99,4% số hộ dùng nước hợp vệ sinh, trong đó 67,2% số hộ được cấp nước sạch.

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa duy trì ổn định. Lực lượng công an chính quy được bố trí đủ ở tất cả các xã, thường xuyên tổ chức tuần tra, nắm bắt tình hình, tâm tư của Nhân dân. Với những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực, vào tháng 2–2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định công nhận đạt chuẩn NTM cho 3 huyện. Các địa phương cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Xác định XDNTM là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chính quyền và Nhân dân 3 huyện đang tiếp tục nỗ lực phát huy kết quả đạt được, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao... Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao, chuẩn hóa, xã hội hóa.

Hành trình XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vẫn được tiếp tục gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đi vào chiều sâu, xây dựng các vùng quê giàu đẹp, đáng sống, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.

Cao Văn Cường

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT,

Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/phat-huy-truyen-thong-lich-su-no-luc-xay-dung-cac-huyen-trieu-son-nong-cong-thieu-hoa-dat-chuan-ntm/157807.htm