Phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới
Các cấp hội nông dân huyện đã chủ động, sáng tạo trong triển khai xây dựng các mô hình, phần việc, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên tham gia phát triển kinh tế, hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng hạ tầng giao thông.
Huyện Phú Lương có trên 100 nghìn dân, trong đó khu vực nông thôn chiếm gần 90%. Xác định rõ vai trò chủ thể của nông dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp hội nông dân (HND) huyện đã chủ động, sáng tạo trong triển khai xây dựng các mô hình, phần việc, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên tham gia phát triển kinh tế, hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng hạ tầng giao thông. Từ đó tạo môi trường sạch đẹp, tô điểm thêm những "gam màu" tươi mới ở các miền quê.
Đi khắp các xã NTM của huyện Phú Lương, đến đâu chúng tôi cũng được nghe câu chuyện người dân hiến đất làm đường. Có thể nói, chưa bao giờ phong trào này lại sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia đến thế. Thực tế tại các xã: Tức Tranh, Phủ Lý, Hợp Thành, Động Đạt…, chúng tôi thấy phong trào nông dân hiến đất làm đường, chung sức xây dựng NTM được người dân hưởng ứng tích cực.
Điển hình như ở xã Động Đạt. Tính riêng từ đầu năm đến nay, nhân dân toàn xã đã hiến trên 14.400m2 đất và hơn 450m2 tường rào để mở rộng 14 tuyến đường xóm 4m và 6m trở lên. Ước tính giá trị công trình, tài sản trên đất nhân dân đã hiến là hơn 1 tỷ đồng và trên 500 ngày công lao động.
Bà Nguyễn Thị Đoài, nông dân xóm Ao Trám, xã Động Đạt, nói: Dự án mở rộng tuyến đường Giang Tiên – Núi Phấn đi qua xóm tôi, trong 7 hộ dân bị ảnh hưởng hơn 4.500m2 đất thì gia đình tôi có hơn 1.000m2 trồng nhiều loại cây ăn quả đang cho thu hoạch. Vì mục tiêu đường rộng đẹp, nhà tôi đã đồng thuận hiến đất, phá bỏ nhiều cây ăn quả và hơn 200m2 tường rào xây.
Không riêng gia đình bà Đoài có tấm lòng rộng mở hiến đất làm đường, từ đầu năm đến nay, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương cũng sẵn lòng phá bỏ cây cối, tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng thi công đường giao thông.
Đáng chú ý ở Dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 3 tuyến đường huyện: ATK – Phủ Lý – Hợp Thành, Gốc Bàng – Làng Hin, Đu – Khe Mát đầu năm nay, nhờ thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng, nên cả 3 tuyến đã có khoảng 600 hộ đồng ý hiến đất, tài sản trên đất (trong đó có gần 300 hội viên nông dân), tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là gần 20.000m2, hơn 4.485m tường rào.
Trong đó, nhiều gia đình dù là hộ nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tích cực, tự nguyện hiến đất để mở rộng đường. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, bà Phạm Thị Châm, cùng ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, đã tự nguyện hiến đất và phá bờ tường bao để bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường ATK Phủ Lý - Hợp Thành.
Trên địa bàn huyện Phú Lương ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo ra các sản phẩm thế mạnh của huyện.
Thực hiện phong trào xây dựng NTM, ngoài việc tập trung xây dựng, cải tạo hạ tầng, tạo diện mạo mới cho nông thôn, thì việc nâng cao đời sống của người dân cũng đóng một vai trò rất quan trọng, trong đó chính người dân đóng vai trò chủ thể, nòng cốt quyết định cho thành công này. Thời gian qua, các cấp HND của huyện Phú Lương với vai trò cầu nối đã tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu, cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Theo đó, các cấp HND đã đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể; sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ; chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng phát triển phù hợp.
Trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Phú Lương đã xuất hiện nhiều điển hình mới, hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng nói là không chỉ năng động phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, nhiều nông dân còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững ở địa phương, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,38% (năm 2021 là 5,39%).
Tiêu biểu như anh Tống Văn Viện, sinh năm 1987, dân tộc Tày, Giám đốc HTX nông sản Phú Lương. Tháng 7-2020, anh Viện thành lập HTX nông sản Phú Lương (tại xóm Khau Lai, xã Ôn Lương). HTX chủ yếu sản xuất, chế biến các sản phẩm chè và liên kết chế biến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Để mở rộng quy mô sản xuất, anh hợp tác với những người nông dân địa phương, vận động họ cùng thay đổi việc canh tác chè, sản xuất chè VietGAP.
Sau khi ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng chất lượng mong muốn, anh liên kết với các hộ dân quanh vùng, dần dần mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng chục héc-ta. Đến nay, HTX nông sản Phú Lương đang liên kết quản lý sản xuất, bao tiêu sản phẩm chè trên diện tích khoảng 70ha của nông dân các huyện: Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa.
Sau hơn 3 năm thành lập, HTX đã có 3 sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Xác định phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân là nhiệm vụ tiên quyết, cốt lõi giúp người dân phát huy vai trò chủ thể trong duy trì thành quả NTM, các cấp HND của huyện Phú Lương cũng đã vận động các nông hộ tận dụng điều kiện, thế mạnh của gia đình để phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Gia đình anh Lã Quang Huy, xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, những năm trước chủ yếu cấy lúa, trồng chè và nuôi lợn. Năm 2021, đàn lợn của gia đình anh nuôi bị dịch bệnh, nên vốn đầu tư cho chăn nuôi bị thua lỗ. Năm 2023, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân gia đình anh được vay 70 triệu đồng nuôi gà thịt. Đồng thời được hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật chăm sóc gà hiệu quả. Năm vừa qua, anh có thu nhập trên 200 triệu đồng từ chăn nuôi gà (2 tháng một lứa gà thịt 1.000 con).
Không riêng anh Huy, thời gian qua, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn nhờ sự kết nối qua các cấp HND mà đã tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, có kinh tế ổn định. Thống kê của HND huyện Phú Lương, các cấp HND trên địa bàn đang thực hiện tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho khoảng 2.800 hộ hội viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 143 tỷ đồng, duy trì 82 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Các cấp hội trên toàn huyện quản lý 112 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dư nợ trên 208 tỷ đồng cho hơn 1.800 hộ vay vốn. Tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương hiện nay cũng duy trì gần 8 tỷ đồng với các dự án cho 69 hộ vay.
Bên cạnh hiến đất, đóng góp tiền, của, ngày công làm đường giao thông và tích cực phát triển kinh tế, các hội viên nông dân tại Phú Lương cũng đã chủ động, tích cực phát huy vai trò chủ thể thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. Theo đó, các cấp HND của huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực tham gia bảo vệ môi trường, xử lý, phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng vườn mẫu, chú trọng vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp.
Từ đầu năm đến nay, người dân đã tham gia trên 100 buổi ra quân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh với hơn 10.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Các cấp hội cũng vận động hội viên thu gom và tự xử lý rác thải, phân loại rác thải tại gia đình để đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng 75 mô hình tham gia bảo vệ môi trường; tặng 105 thùng rác và 200 gói chế phẩm ủ phân hữu cơ cho các xã ra mắt mô hình “Tuyến phố văn minh không rác”, mô hình “Thu gom rác thải”, mô hình "ngôi nhà xanh" tại Phủ Lý, Tức Tranh, thị trấn Đu, xã Động Đạt...
Tại xã Phủ Lý, hầu hết các tuyến đường bê tông đều đáp ứng tiêu chí: Xanh - sạch - đẹp. Được biết, toàn xã có 687 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 9 chi hội. Từ đầu năm đến nay, cùng với việc hiến 3.500m2 đất để mở rộng đường, các hội viên nông dân còn tích cực tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, thực hiện thu gom, tự xử lý rác thải tại nguồn và các trục đường của từng xóm để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Ngoài Phủ Lý, thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, HND huyện cũng chủ động triển khai những công trình, phần việc ý nghĩa như: Phối hợp trồng 1.200 cây vàng anh, 300 cây cau, 300 cây hoa râm bụt tại các tuyến đường thẩm định huyện NTM, đường liên xã (xã Vô Tranh, Tức Tranh, Yên Đổ); thực hiện tuyến đường điện sáng - xanh - sạch - đẹp dài 1,8km tại xóm Đồng, xã Tức Tranh; hỗ trợ xã Phú Đô xây dựng tuyến đường cờ, thị trấn Giang Tiên xây dựng công trình vườn hoa…
Có thể nói, mỗi công trình, phần việc của các cấp HND huyện Phú Lương thực hiện thời gian qua đã tô thêm lên "bức tranh" nông thôn của huyện những gam mầu tươi sáng.
Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã Tức Tranh đang triển khai thực hiện mô hình điểm của Trung ương về xã NTM thông minh, tổng số xóm NTM kiểu mẫu toàn huyện đạt 40 xóm...
Tin tưởng rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc tích cực của đông đảo hội viên nông dân, mục tiêu đạt huyện NTM của Phú Lương trong năm 2024 sẽ thành hiện thực.