Phát huy vai trò công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động

Công đoàn là một tổ chức không thể thiếu trong mối quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Công đoàn giữ vai trò bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, hài hòa mối quan hệ này để cùng phát triển, giữ ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là vào dịp tết.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo công đoàn các cấp với người sử dụng lao động vừa được Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức

Luôn giữ chân NLĐ

Trao đổi với P.V, bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Tân Uyên, cho biết năm nay do ảnh hưởng chung của bối cảnh thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TP.Tân Uyên cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, thiếu hụt nguồn nguyên liệu... Từ đó, thu nhập và đời sống của NLĐ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về cơ bản, việc làm của NLĐ vẫn được các cấp công đoàn, người sử dụng lao động quan tâm. Cụ thể, nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì chăm lo tốt cho NLĐ, như: CĐCS Công ty TNHH Đa Hợp Evatech Việt Nam, CĐCS Công ty TNHH Thương mại sản xuất gỗ Mỹ Gia, Công ty TNHH Đồ gỗ Danh Ích… “Nhìn chung, để giữ chân NLĐ, các DN ở TP.Tân Uyên luôn quan tâm tốt các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho NLĐ”, bà Tuyết Trinh chia sẻ.

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo công đoàn các cấp với người sử dụng lao động vừa được LĐLĐ tỉnh tổ chức vừa qua, ban tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho việc phát huy vai trò công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động cuối năm. Tại hội nghị, ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết việc tổ chức hội nghị nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, những thuận lợi, khó khăn mà DN và NLĐ đang gặp phải. Qua đó, công đoàn tỉnh kịp thời tham mưu cho tỉnh những giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp NLĐ “an cư lạc nghiệp”, đồng hành với sự phát triển của DN và của tỉnh. Ông Bùi Thanh Nhân khẳng định tỉnh Bình Dương luôn coi khó khăn của DN chính là khó khăn của tỉnh, những khó khăn của NLĐ chính là những vấn đề mà tỉnh ưu tiên giải quyết.

Ông Bùi Thanh Nhân nói thêm, giai đoạn khó khăn vừa qua là phép thử sức đề kháng cho DN và dự báo thời gian tới còn nhiều tác động khó khăn hơn. Chính vì vậy, DN cần nắm bắt tốt công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị, làm tốt công tác quản trị DN, tiết giảm tốt chi phí và có nguồn lao động ổn định, có tay nghề và mối quan hệ khách hàng tốt. NLĐ cần khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ, ý thức chấp hành pháp luật, đồng hành với DN và sự phát triển của tỉnh Bình Dương.

Hướng về NLĐ

Hiện nay, nhiều DN cũng gặp khó từ nguồn lao động, NLĐ bỏ việc do DN thiếu đơn hàng hoặc sản xuất cầm chừng… Những vấn đề này đã được một số đại biểu kiến nghị tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo công đoàn các cấp với người sử dụng lao động. Theo các đại biểu, để phòng ngừa, giải quyết hiệu quả các nguy cơ xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và chia sẻ khó khăn cùng DN, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hướng tới sự phát triển bền vững của DN, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, LĐLĐ tỉnh và các ngành liên quan cần thực hiện nhiều giải pháp tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ, lấy chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ làm động lực ổn định DN. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết các cấp công đoàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho NLĐ nhằm nắm rõ những khó khăn chung để cùng chia sẻ với DN, ổn định, hài hòa lợi ích. Thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại để cùng lắng nghe và chia sẻ khó khăn với DN và NLĐ.

Nhằm hướng về NLĐ, thời gian qua, các cấp công đoàn đã thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn, NLĐ, như: Giúp đỡ NLĐ trong hoạt động ký kết hợp đồng lao động, tư vấn cho NLĐ biết quyền và nghĩa vụ của NLĐ trong hợp đồng mà họ ký kết để bảo đảm quyền lợi; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể giữa NLĐ và người sử dụng lao động, các điều kiện trong quan hệ lao động mà hai bên đã bàn bạc, thống nhất thông qua thương lượng tập thể. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn còn tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng, nội quy lao động. Đồng thời, tổ chức công đoàn thực hiện việc trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của NLĐ, nhất là lương, thưởng cuối năm…

“Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho NLĐ nhằm nắm rõ những khó khăn chung để cùng chia sẻ với DN, ổn định, hài hòa lợi ích. Thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại để cùng lắng nghe và chia sẻ khó khăn với DN và NLĐ”.

(Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

HỒ VĂN

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-huy-vai-tro-cong-doan-trong-xay-dung-quan-he-lao-dong-a314691.html