Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, báo chí có vai trò rất quan trọng, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực lên án những hành vi không chấp hành các nguyên tắc hoạt động của Đảng, làm trái pháp luật để trục lợi. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí đã đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, vừa tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, PCTN, tiêu cực, lãng phí.

Vai trò của báo chí trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật PCTN năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong PCTN; quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí về công tác PCTN; về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình… Ngoài ra, Luật Báo chí năm 2016 còn nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, đặc biệt là nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Như vậy, nhiệm vụ PCTN, tiêu cực, lãng phí của báo chí đã được luật hóa.

Những năm qua, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực bị báo chí phát hiện vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dẫn đến xử lý kỷ luật của Đảng, hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự. Đánh giá về công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí, Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Công tác đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực thì công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực hiện nay. Nhà nước ta cũng đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong PCTN, tiêu cực qua các giải báo chí. Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí" được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí - truyền thông đã thể hiện tích cực vai trò to lớn trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí, đây không phải chỉ là vấn đề về nhận thức, vấn đề về lý luận, mà thực tế đã và đang chứng minh điều đó. Song, trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào, vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ. Và không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẻ vang đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó và luật pháp quy định. Mặt khác, ngay chính bản thân các nhà báo không phải lúc nào cũng có đủ nhận thức, tri thức và kỹ năng tác nghiệp để vừa tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí một cách có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn nghề nghiệp cho bản thân và cho cơ quan báo chí.

Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Báo chí là một lực lượng tiên phong trên mặt trận ấy. Có thể nói rằng, lực lượng PCTN, tiêu cực, lãng phí ở nước ta từ Trung ương đến địa phương có đầy đủ các thành phần. Tuy nhiên, mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Có nghĩa là các lực lượng PCTN, tiêu cực, lãng phí hoạt động hiệu quả chưa cao, trong đó có lực lượng báo chí. Nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình tác nghiệp thực hiện nhiệm vụ PCTN, tiêu cực, có cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Trong đấu tranh PCTN, tiêu cực của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc, có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Một số vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được phản ánh đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí. Nhà báo tham gia tuyên truyền đấu tranh PCTN, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ.

Mặt khác, để bảo đảm tính khách quan, trong nhiều trường hợp, nhà báo phải thực hiện các cuộc điều tra độc lập khi chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Không chỉ bị các nhóm lợi ích, tham nhũng cản trở, chống phá hoạt động tác nghiệp của nhà báo; thói cửa quyền, quan liêu, vô cảm của bộ máy công chức cũng gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của nhà báo. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Mà báo chí thường phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp. Điều cần nói, là khi bài báo chống tham nhũng, tiêu cực được đăng tải, thì các nhóm lợi ích và bọn tham nhũng, tiêu cực hoạt động ngày càng tinh vi, quyết liệt để đối phó với các lực lượng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có báo chí. Trong khi trên thực tế vẫn còn một số ít nhà báo lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra đủ chiêu trò hù dọa để “ăn tiền” doanh nghiệp hay đối tượng tham nhũng, tiêu cực - một kiểu làm báo không thể chấp nhận được.

Ðể phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí, trước hết các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải thật sự liêm chính, tuyệt đối không được “nhúng chàm”, để xứng đáng là người bạn đồng hành tin cậy trong lực lượng đấu tranh PCTN, tiêu cực. Đặc biệt là tạo cơ chế để những nhà báo, các cơ quan báo chí hoạt động theo đúng Luật Báo chí. Công khai, minh bạch thông tin phải là điều kiện tiên quyết đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng xử lý đến cùng những thông tin mà báo chí nêu lên sẽ tạo động lực quyết định trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời cần có cơ chế cho báo chí nắm bắt thông tin kịp thời về công tác xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân, sau khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng về PCTN, tiêu cực. Cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí tham gia PCTN, tiêu cực thì được bảo vệ như thế nào. Có như vậy thì mới xử lý nghiêm minh và ngăn chặn những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Vì thực tế hiện nay nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí ngại tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực, vì tâm lý sợ gánh chịu hậu quả, sợ người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị thế cao trong xã hội. Khả năng bị đánh đập, bị hăm dọa, bị gây nguy hiểm đến tính mạng và người thân trong gia đình là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, rất cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để cung cấp thông tin, bảo vệ các nhà báo, các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Yếu tố quyết định đến hiệu quả của báo chí trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực là việc xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, có tầm và có tài. Do vậy, cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực PCTN, tiêu cực, chú trọng đạo đức của người cầm bút, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Các cơ quan PCTN, tiêu cực cần tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật.

CAO TRÍ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-lang-phi-74202.html