Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong Chương trình OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh mở ra hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh mở ra hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục phát triển Chương trình OCOP, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất, chế biến, trong đó cần chú trọng đến nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm…
Sau 2 năm triển khai, Chương trình OCOP của tỉnh đã tạo được sức lan tỏa, thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đăng ký sản phẩm đánh giá, phân hạng. Một trong những giải pháp then chốt để phát triển Chương trình OCOP là đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN nhằm tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới. Đồng thời đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh. Điển hình là các đề án sản xuất khoai tây sạch bệnh, công nghệ nuôi tôm theo hướng hữu cơ; hỗ trợ phát triển các giống lúa mới Thiên Trường 900, LT2-KBL; hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo và quy trình nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành công trong việc phục tráng, phát triển nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương như: gạo tám xoan Hải Hậu, gạo tám ấp bẹ Xuân Đài, gạo Dự hương Nam Mỹ. Quan tâm tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho nhiều sản phẩm của địa phương như: nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu”, nhãn hiệu tập thể cho “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”, nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến”, “Nước mắm Ninh Cơ”… qua đó góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Cùng với các sở, ngành liên quan, Sở KH và CN đã hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về ghi nhãn hàng hóa, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất, chế biến... Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh chủ động ứng dụng KHCN để không ngừng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm đến tay người tiêu dùng và gia tăng sản lượng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm OCOP các hạng (bao gồm: 28 sản phẩm 4 sao, còn lại là các sản phẩm 3 sao) của 80 đơn vị; trong đó, có 35 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã, 27 hộ sản xuất kinh doanh, chủ yếu thuộc lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ và du lịch nông thôn. Tiêu biểu như các sản phẩm: “Gạo sạch Toản Xuân” của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); “Nước mắm truyền thống Tân Phú” của Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh (Hải Hậu); “Thịt lợn sạch hữu cơ” của trang trại Hiền Thục (Trực Ninh); “Kẹo Sìu châu” của Công ty Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định); “Trà tươi hương chanh mật ong S24” của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại vận tải Minh Hằng (Vụ Bản)…
Để phát huy tốt vai trò của KHCN tham gia thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh đang triển khai đề tài “Giải pháp thương mại hóa sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện; dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu” do UBND huyện Hải Hậu làm chủ dự án. Chia sẻ về dự án, đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện cho biết: Mục tiêu cụ thể của dự án là sẽ hỗ trợ 10 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và hỗ trợ nâng cấp tất cả các sản phẩm OCOP còn lại của huyện về bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ; phối hợp với Liên minh các HTX bồi dưỡng kiến thức về ứng dụng KHCN cho các lãnh đạo của HTX… Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với Sở KH và CN tập trung triển khai thực hiện dự án xây dựng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, góp phần hạn chế tranh chấp về nhãn hiệu, mẫu mã hàng hóa trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng, phát huy vai trò của KHCN trong Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Qua chấm điểm đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều sản phẩm hạn chế về độ ổn định chất lượng, hoàn thiện mẫu mã và đặc biệt là vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu cũng như xúc tiến thương mại. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đòi hỏi sự quyết tâm của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải chủ động ứng dụng KHCN để giải quyết những hạn chế trên. Từ việc xét, công nhận các sản phẩm cũng đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất trong việc phát triển sản phẩm theo tiêu chí của chương trình OCOP.
Đồng chí Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Để KHCN phát huy được vai trò tham gia thực hiện chương trình OCOP, thời gian tới, ngành KH và CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai chính sách KH và CN đối với sản phẩm OCOP theo hướng hỗ trợ ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm hàng hóa. Xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, hoàn thiện công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh cho các sản phẩm OCOP dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế; trong đó, ưu tiên các HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất trong việc tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị liên quan đến các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học quản lý, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX sản xuất các sản phẩm OCOP theo chuỗi liên kết. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX về ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động thông tin KHCN. Qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng tầm chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh