Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Người có uy tín là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bạn đọc Lầu Duy Thông ở Cao Bằng hỏi: Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc như già làng, trưởng bản có sức ảnh hưởng lớn đến đồng bào. Vậy xin hỏi những người này có được hưởng chính sách hỗ trợ gì không.
Trả lời:
Dự án 1 thuộc Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) nhằm mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng ĐBDTTS&MN.
Bên cạnh đó, biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng ĐBDTTS&MN trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Theo đó, đối tượng được tuyên dương, khen thưởng là: Già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ cốt cán có uy tín; các điển hình tiên tiến trong vùng ĐBDTTS&MN có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tiểu dự án bao gồm 10 nội dung:
1) Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng ĐBDTTS&MN.
2) Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng ĐBDTTS&MN.
3) Xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, quản lý, sử dụng lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng ĐBDTTS&MN phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
4) Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, thông tin, gặp mặt, tọa đàm, hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trang bị phương tiện nghe nhìn cho lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng ĐBDTTS&MN nhằm nâng cao năng lực, khả năng tiếp nhận thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
5) Hỗ trợ, kịp thời động viên và có biện pháp bảo vệ phù hợp trong công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng ĐBDTTS&MN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
6) Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng ĐBDTTS&MN.
7) Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.
8) Định kỳ tổ chức (2 năm/lần đối với cấp huyện và cấp tỉnh; 5 năm/lần đối với cấp Trung ương) các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến (già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ cốt cán; nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người DTTS và các đối tượng khác) trong vùng ĐBDTTS&MN.
9) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, gặp mặt, tọa đàm, tặng quà, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội theo khu vực, vùng miền (định kỳ 3 năm/lần tổ chức hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm theo khu vực, vùng miền: miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực biên giới và một số địa phương khác).
10) Xây dựng, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng ĐBDTTS&MN.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Quyết định 12/2018/QĐ-TTg cũng quy định mức hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, cụ thể:
Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:
1) Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các DTTS không quá 02 lần/năm; mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần.
2) Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau không quá 01 lần/năm. Mức chi: không quá 3.000.000 đồng/người/năm đối với cấp Trung ương; không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh; không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện.
3) Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn). Mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp huyện.
4) Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện.
Cao Bằng tôn vinh, biểu dương 150 người có uy tín trong ĐBDTTS
Vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.
Hội nghị là sự kiện ghi nhận những công lao đóng góp của các cá nhân là người có uy tín trong đồng bào DTTS có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn - xã hội ở địa phương; đồng thời là dịp để người có uy tín giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Cao Bằng tặng bằng khen 30 cá nhân là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS năm 2023; Ban Dân tộc tỉnh tặng 120 giấy khen cho điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Tỉnh Cao Bằng hiện có gần 1.500 người có uy tín, trong đó, hơn 1.400 người DTTS, chiếm 98,56%. Những năm qua, tỉnh thực hiện chế độ, chính sách cho người có uy tín đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 21 hội nghị tập huấn, với hơn 1.200 lượt người có uy tín tham gia; 31 hội nghị cung cấp thông tin thời sự cho hơn 2.800 người có uy tín; tổ chức 11 cuộc tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho 716 người có uy tín.