Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp

Những năm qua, vai trò của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần được khẳng định. Công đoàn ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu; không những bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ) mà còn góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công đoàn Prime group trao quà hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Kim Ly

Lãnh đạo Công đoàn Prime group trao quà hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Kim Ly

Xác định việc phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, LĐLĐ tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức các hội nghị, hội thảo, biên soạn, phát tờ rơi, treo pano tuyên truyền trên các trục đường chính của các khu công nghiệp và địa điểm tập trung đông công nhân, lao động.

Khi doanh nghiệp tuyển thêm lao động, CĐCS hướng dẫn NLĐ ký hợp đồng lao động và tuyên truyền cho NLĐ những thông tin cơ bản về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, vận động họ gia nhập tổ chức Công đoàn. Nhờ đó, tỷ lệ thu hút NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn ngày càng cao.

Hiện, toàn tỉnh có 380 CĐCS khối doanh nghiệp với gần 149 nghìn đoàn viên. Phần lớn các CĐCS trong doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

CĐCS cùng tham gia với doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng lao động cho NLĐ, phối hợp xây dựng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), nội quy lao động, tham gia ý kiến để doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ; hằng năm xây dựng chương trình khám sức khỏe cho NLĐ.

Đến nay, đã có 231/380 đơn vị có TƯLĐTT (đạt 61%); trong đó có nhiều TƯLĐTT của doanh nghiệp thể hiện nhiều nội dung có lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ điển hình như Công ty TNHH Koseimuilpack Việt Nam, Công ty TNHH Vitto Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Giày Phúc Yên, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên, Công ty cổ phần Prime Group.

Nhiều doanh nghiệp tổ chức đối thoại với NLĐ ít nhất 1 lần/năm; riêng năm 2021, 100% doanh nghiệp nhà nước; 98,4% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ.

Thông qua các hội nghị, NLĐ đã tham gia đề xuất, kiến nghị những vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc làm, đời sống, thực hiện chế độ, chính sách; tham gia đóng góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, TƯLĐTT và xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; góp phần nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm thiểu việc nghỉ việc tập thể, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, CĐCS còn là nơi giải quyết những khúc mắc của NLĐ với doanh nghiệp, tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ; Công đoàn còn đóng góp ý kiến với doanh nghiệp để cải thiện môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của NLĐ; đề nghị doanh nghiệp trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ.

Công đoàn Công ty TNHH Vina Korea, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức "Bữa sáng hạnh phúc" cho người lao động. Ảnh: Kim Ly

Công đoàn Công ty TNHH Vina Korea, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức "Bữa sáng hạnh phúc" cho người lao động. Ảnh: Kim Ly

Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, đời sống NLĐ dần được nâng lên thì vai trò của CĐCS tại doanh nghiệp lại càng được phát huy. Công đoàn phối hợp với doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao cho NLĐ như hội thi cắm hoa, chương trình văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng, giải bóng đá, bóng chuyền, khiêu vũ… tạo sân chơi cho NLĐ, góp phần giúp họ có thêm động lực tinh thần, nâng cao sức khỏe.

CĐCS còn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho NLĐ tham quan du lịch, hưởng chế độ ngày lễ, Tết, thăm hỏi động viên những lúc ốm đau và xây dựng chế độ chính sách đến NLĐ và người thân trong gia đình NLĐ…

CĐCS trong doanh nghiệp tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, cụ thể hóa các nội dung thi đua sát với thực tiễn; xây dựng nhân tố điển hình làm hạt nhân, nòng cốt trong các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thi đua học tập, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”. Qua các phong trào thi đua yêu nước đã thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của đoàn viên, NLĐ.

Từ việc phát huy được mọi mặt, CĐCS khối doanh nghiệp luôn được đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động. Năm 2021, CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt hơn 16%; CĐCS hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 67,3%; tỷ lệ CĐCS yếu giảm còn 3,9%.

Để tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, các cấp Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động NLĐ hiểu và tham gia tổ chức Công đoàn ngay khi được tuyển dụng; tập huấn, nâng cao kỹ năng phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS tại doanh nghiệp theo hướng có sự tham gia tích cực của NLĐ.

Các CĐCS phối hợp với doanh nghiệp tăng cường các hoạt động đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo doanh nghiệp với NLĐ, nhằm giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, yêu cầu của NLĐ và người sử dụng lao động; chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76803/phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-cong-doan-trong-doanh-nghiep.html