Phát huy vai trò Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong thời kỳ mới
Cách đây 35 năm, ngày 6-12-1989, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam được thành lập. Đây là tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thành viên là những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã từng được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng và các cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hơn ai hết, mỗi hội viên CCB hiểu rất rõ giá trị của độc lập, tự do được đổi bằng sự hy sinh, cống hiến của đồng bào, đồng chí trong nhiều thập kỷ.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc; tổ chức Hội được củng cố, phát triển cả về số lượng, chất lượng và được xây dựng ở 4 cấp: Cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện, thị xã và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) rộng khắp trong cả nước.
Những năm qua, các cấp Hội thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hội đã tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn hội viên kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu và hành động phá hoại cùng các thế lực thù địch, phản động; tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân.
Tích cực tham gia, giám sát, phản biện xã hội và phổ biến, giáo dục pháp luật. Đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đi đầu trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là lực lượng nòng cốt tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động. Động viên các CCB nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. Với vị thế, uy tín và kinh nghiệm ngày càng được khẳng định, các cấp hội đã đóng góp tích cực vào việc tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp nảy sinh từ cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội từ cơ sở.
Quy chế phối hợp giữa CCB Việt Nam với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan Trung ương và địa phương được triển khai thiết thực, hiệu quả. Hội CCB Việt Nam và Bộ Quốc phòng đã phối hợp tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; góp nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước trong hoạch định và thực hiện những chủ trương, chính sách xây dựng và BVTQ. Trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, lực lượng CCB luôn kề vai, sát cánh với cán bộ, chiến sĩ toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; không ngừng củng cố và tăng cường “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Trực tiếp tham gia giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp xảy ra ở địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trên các địa bàn xung yếu, trọng điểm.
Làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, giữ gìn và làm sâu sắc thêm nghĩa tình đồng đội, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao...
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ; truyền thống “Trung thành-đoàn kết-gương mẫu-đổi mới”; xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, Hội CCB các cấp và cán bộ, hội viên CCB tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, hội viên nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên tập hợp ý kiến của CCB, của nhân dân về những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, những chính sách liên quan đến đời sống nhân dân và CCB, nhạy bén phát hiện những vấn đề bất cập, hoặc mới phát sinh để kịp thời tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền, khắc phục những bức xúc trong các tầng lớp nhân dân làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tích cực phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực với phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, phòng ngừa là cơ bản, theo đúng đường lối quan điểm của Đảng và pháp luật Nhà nước, không để kẻ địch lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; tham gia hiệu quả việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Thứ hai, thực hiện tốt vai trò của Hội trong phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh. Hiện nay nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là xây dựng và BVTQ, trọng tậm là phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng; các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của Chính phủ, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, Hội khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với CCB, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của CCB nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển KT-XH của địa phương và cả nước; đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Hội CCB Việt Nam với Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam. Phối hợp tuyên truyền, vận động thành lập các Hội (hoặc CLB) doanh nhân CCB ở các tỉnh, thành phố; mở rộng các hình thức hoạt động của Hội Doanh nhân CCB theo mục tiêu, điều lệ đã đề ra. Đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, phối hợp lồng ghép các chương trình, các cuộc vận động trong CCB hiệu quả. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, kinh nghiệm hay để hoạt động kinh tế phát triển sâu rộng thành phong trào có chất lượng, hiệu quả cao.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Trung ương Hội với Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; giữa Hội CCB các tỉnh, thành, huyện với các cấp, ngành, đoàn thể của địa phương. Đổi mới hình thức, phương pháp phối hợp hoạt động theo phương châm càng xuống cơ sở càng được cụ thể hóa, phù hợp với tình hình từng địa phương. Có kế hoạch cụ thể, cơ sở pháp lý triển khai thực hiện; định kỳ phối hợp tổ chức rút kinh nghiệm; bảo đảm phối hợp có hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Phối hợp trong phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Tích cực phối hợp trong cải cách hành chính; phối hợp chặt chẽ trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào do Trung ương, địa phương và các tổ chức, đoàn thể phát động nhằm xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
Thứ tư, coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, cho thế hệ trẻ. Thực hiện lời dặn của Bác Hồ “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, bằng tâm huyết và sự từng trải của mình, CCB Việt Nam tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ; đồng hành với thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và BVTQ, coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang và là trách nhiệm, tình cảm của Hội CCB đối với thanh, thiếu niên.
Thứ năm, chăm lo xây dựng Hội CCB Việt Nam trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới mạnh mẽ phương thức và nội dung hoạt động để Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động CCB trong giai đoạn cách mạng mới. Chú trọng phát triển, củng cố tổ chức Hội, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, doanh nghiệp. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, bảo đảm phù hợp với đối tượng, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, coi trọng chất lượng, hiệu quả...