Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã đi vào cuộc sống, tô đậm ý nghĩa nhân văn kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị đưa đồng vốn tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người nghèo.

“Đòn bẩy” thoát nghèo

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử là gia đình ông Phạm Yên Bình ở thôn Mũi Đá, xã Tân Phước – thị xã La Gi, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế gia đình trông chờ vào một mảnh vườn nhỏ và gánh hàng rong buôn bán ở chợ Cam Bình thuộc xã. Nhờ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã cùng với số tiền dành dụm của gia đình ông đầu tư chuồng trại nuôi heo sinh sản, nuôi gà trên diện tích 2.000 m2, sau đó đã mở rộng diện tích, quy mô chuồng trại chuyển sang nuôi heo thịt kết hợp nuôi gà cho hiệu quả kinh tế. Hiện ông Bình đã thoát nghèo và liên tiếp nhiều năm qua với cách làm kinh tế hiệu quả ông còn được vinh danh hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã.

Vốn vay giúp hộ nghèo chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Vốn vay giúp hộ nghèo chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Hay ở xã miền núi Mỹ Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam, nơi đây tập trung nhiều đồng bào Rai sinh sống. Theo UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, trước đây Đảng ủy chính quyền địa phương đã vận động thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo nhưng hiệu quả mang lại chưa cao nguyên nhân do không có vốn, không có nước sản xuất cho việc tưới tiêu… Nhưng từ khi vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện đưa vào địa phương và UBND xã phân công khối đoàn thể là Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã nhận ủy thác triển khai xuống thôn để bà con tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Nhờ đó, việc triển khai công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người nghèo, đối tượng chính sách đã có hướng ra. Nguồn vốn đã giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần đưa kinh tế địa phương ngày một đi lên. Điển hình như hộ Trần Văn Son, hộ Lâm Thị Liễu… nhờ tiếp cận vốn vay lãi suất thấp đã phát triển thêm đàn chăn nuôi bò đem lại thu nhập ổn định giúp gia đình thoát nghèo bền vững, trả nợ đúng hạn cho Nhà nước.

Người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách dễ dàng.

Người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách dễ dàng.

Có thể nói, thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn. Qua đó, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, phát huy các sản phẩm đặc thù tại địa phương; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự bản thân vươn lên thoát nghèo. Chỉ thị 40 ra đời mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Qua đó, đã tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng chính ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.

Đưa tín dụng chính sách đến gần dân

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp được thành lập và hoạt động... Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, từ đó người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Thông qua phương thức ủy thác cho vay, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với hội viên, thông tin, tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách xã hội, về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cùng với trưởng thôn trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, việc sử dụng vốn của hộ vay. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng vốn vay.

Hiện nay, NHCSXH tổ chức giao dịch tại 124/124 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Tính đến 30/4/2024, có 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý 2.334 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác đạt trên 4.834,4 tỷ đồng/114.617 hộ, chiếm 99,85% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh, tăng trên 3.162,3 tỷ đồng (tăng 189,1%) so với năm 2014. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn, chất lượng tín dụng ngày một nâng lên. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, góp phần giúp gần 30.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 36.000 lao động; gần 19,4 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 263.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng gần 700 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-trong-hoat-dong-tin-dung-chinh-sach-119668.html