Phát huy vai trò liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Thời gian gần đây, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện vai trò tích cực trong việc tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp. Điều đó giúp các thành viên mạnh dạn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Cuối năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị) được thành lập với 22 thành viên, tổng diện tích sản xuất 97ha, chuyên canh tác các giống lúa chất lượng cao như: RVT, ST20, ST24, ST25. Từ lúc thành lập, hợp tác xã đã tiến hành thử nghiệm quy trình sản xuất lúa an toàn, lúa theo hướng hữu cơ, trong đó giống lúa thơm đặc sản ST25 có tổng diện tích là 60ha. Từ mô hình sản xuất thương mại lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, công ty với mức giá cao hơn thị trường khoảng 400 đồng/kg, sản phẩm gạo hiện đã được đóng gói bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm gạo ST25 đã có mặt trên thị trường Úc với thương hiệu “Gạo ST25 Vinh Lợi”.

Anh Nguyễn Văn Út - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi cho biết, việc liên kết hợp tác bền vững giữa hợp tác xã với các công ty, doanh nghiệp đã giúp cho đầu ra của sản phẩm ổn định. Hầu hết các thành viên trong hợp tác xã đều tham gia vào cánh đồng lớn, được liên kết bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi, an tâm sản xuất. Hiện hợp tác xã còn phát triển các mô hình trồng màu, chăn nuôi gia súc, nuôi cá. Nhờ chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, vừa qua sản phẩm đậu nành của hợp tác xã đã được Công ty Sài Gòn Mekong bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg…

Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng xã Mỹ Phước canh tác vú sữa tím tứ quý theo hướng hữu cơ. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng xã Mỹ Phước canh tác vú sữa tím tứ quý theo hướng hữu cơ. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chỉ thành lập hơn 2 năm, Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng xã Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) đã hình thành vùng trồng chất lượng cho trái vú sữa tím tứ quý, thực hiện quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã có 21 thành viên, ngoài tổng diện tích trồng 22ha vú sữa tím tứ quý, trong đó có 11,3ha hiện đã được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện để xuất khẩu, còn trên 30ha diện tích trồng thanh nhãn với 20,4ha đã được cấp mã vùng trồng.

Theo anh Trần Anh Nhân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng xã Mỹ Phước, các thành viên không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm nên yên tâm sản xuất. Hợp tác xã đã chủ động trong việc tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Vụ vừa qua, hợp tác xã đã liên kết với Công ty Ánh Dương Sao và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vina T&T thu mua hơn 400 tấn vú sữa tím cho các thành viên, với số lượng từ 500kg đến 1 tấn trái mỗi tuần. Đồng thời, hợp tác xã còn liên kết với công ty phân bón cung cấp vật tư và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ nâng cao chất lượng các loại cây ăn trái, xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã, làm các dịch vụ đầu vào và đầu ra, tạo điều kiện cho các thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú gia công các sản phẩm. Ảnh: XUÂN THANH

Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú gia công các sản phẩm. Ảnh: XUÂN THANH

Được đánh giá là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả, chủ động trong sản xuất, liên kết tiêu tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú, xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, công ty để tìm đầu ra cho sản phẩm. Thành lập vào cuối năm 2020, đến nay Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú có được 12 thành viên. Hoạt động chính của hợp tác xã là sản xuất, mua bán và gia công các sản phẩm từ nguyên liệu nhựa giả mây, lục bình, tre nứa, gỗ thép… Với quy mô sản xuất trên 100.000 sản phẩm/năm, hợp tác xã đã liên kết với nhiều doanh nghiệp, đơn vị đưa sản phẩm gia công ra thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, qua đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Doanh thu hàng năm của hợp tác xã gần 4 tỷ đồng.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có 216 hợp tác xã đang hoạt động và 1 liên hiệp hợp tác xã. Hầu hết trên địa bàn các huyện, thị xã đều có hợp tác xã điển hình hoạt động hiệu quả, chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (huyện Long Phú), Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú, Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú Hưng (huyện Cù Lao Dung), Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú), Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Trị, Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Thanh Trị), Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki, Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng (thị xã Vĩnh Châu)...

Việc tham gia một hoặc nhiều khâu trong các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân. Để nâng cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các hợp tác xã trong tìm kiếm thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất - tiêu thụ - người tiêu dùng. Mỗi năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các sự kiện hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

XUÂN THANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-lien-ket-tieu-thu-san-pham-66721.html