Phát huy vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về 'Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC)', 5 năm qua, người đứng đầu các cấp, các ngành đã đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân.

BHXH huyện Đông Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Để Chỉ thị số 13 mang lại hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch lớn, như: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nghị quyết của HĐND tỉnh về giám sát TTHC; kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về CCHC; quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; quy định chấm điểm chỉ số CCHC... Đồng thời, ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác CCHC, như: chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; chỉ thị về tăng cường các biện pháp nâng cao chỉ số CCHC; quy định thực hiện “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết TTHC... Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã ban hành kế hoạch CCHC và chỉ đạo, hướng dẫn, phân công các bộ phận chuyên môn thực hiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Bước chuyển quan trọng nhất trong CCHC ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) những năm gần đây là được Nhân dân đánh giá cao và không có đơn, thư kiến nghị, phản ánh. Đồng chí Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cương cho biết: “Đạt được kết quả này, bộ phận “một cửa” phải thực hiện nghiêm nhiệm vụ chuyên môn, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Để xử lý hồ sơ công việc nhanh chóng, hiệu quả, từ đầu tháng 9-2020, khi được nhận thiết bị ký số cá nhân, tôi đã thực hiện ký số hồ sơ văn bản trên môi trường mạng. Việc xử lý văn bản và ký số trên môi trường mạng có nhiều tiện ích, nếu phải đi công tác xa, đi dự hội nghị, chỉ cần có máy tính xách tay hoặc Ipad tôi vẫn ký được các văn bản để cán bộ, công chức ở nhà thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm công việc diễn ra thông suốt, không gián đoạn. Cùng với đó, tôi phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong giải quyết TTHC, tránh sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc chung. Hằng ngày, tôi và các đồng chí lãnh đạo phường đều thay nhau trực để ký duyệt hồ sơ kịp thời. Người dân đến giải quyết các TTHC cảm thấy hài lòng hơn vì không phải chờ đợi lâu hay phải chạy lên, chạy xuống tìm gặp lãnh đạo phường để ký duyệt hồ sơ như trước”.

Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành, Ban Giám đốc BHXH huyện Đông Sơn đã chỉ đạo bộ phận “một cửa” công khai minh bạch tất cả các TTHC, công khai thời gian giải quyết từng thủ tục trong lĩnh vực BHXH, BHYT để thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch. Thực hiện nghiêm các TTHC đã được công bố, kiểm soát chặt chẽ việc thực thi các TTHC trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại bộ phận “một cửa” và các bộ phận chuyên môn, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp về TTHC. Cùng với đó, Ban Giám đốc BHXH huyện Đông Sơn đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC và thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trên lĩnh vực thu BHXH, BHYT và cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT. Qua đó tạo được sự tin tưởng của các đơn vị sử dụng lao động và các đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện.

Sau khi thống kê bảng xếp loại chỉ số CCHC của huyện qua các năm, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ cả 6 nội dung CCHC, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng chuyên môn trong thực hiện; thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các xã, thị trấn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về thực hiện nhiệm vụ được giao, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, hướng đến sự hài lòng của tổ chức, công dân, ngoài công khai hòm thư đóng góp ý kiến, số điện thoại đường dây nóng, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng chuyên mục tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC trên cổng thông tin điện tử của huyện. Trưởng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC UBND huyện phải thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân khi có vấn đề bức xúc, không hài lòng để kịp thời điều chỉnh, nhắc nhở, phê bình. Cùng với đó, hàng tuần, cán bộ giám sát của huyện sẽ đi kiểm tra việc giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân nhằm hạn chế tối đa việc trả hồ sơ quá hạn hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ quá 1 lần đối với tổ chức, công dân khi đến giao dịch.

Với sự chỉ đạo tích cực của người đứng đầu các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, công tác CCHC của Thanh Hóa đã có sự “bứt phá” mạnh mẽ khi vươn lên xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nằm trong nhóm khá của cả nước; xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (tăng 14 bậc so với năm 2018). Thứ hạng chỉ số PAPI của Thanh Hóa liên tục tăng điểm, tăng thứ hạng qua các năm.

Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình CCHC. Vì vậy, người đứng đầu các cấp, các ngành tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thu Vui

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-nguoi-dung-dau-trong-cai-cach-hanh-chinh/128605.htm