Phát huy vai trò nguồn lực văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW
Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh quan điểm: 'Khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa'. Từ đó, tạo cơ sở để phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Phủ Mỗ, xã Hà Thái (Hà Trung).
Nếu văn hóa được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, thì con người - vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa - được khẳng định vừa là mục tiêu vừa là động lực cho mọi sự phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh chung hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Chính vì lẽ đó, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đang trở thành một “đề bài” trăn trở cho mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Là một tỉnh có nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu giá trị; cùng với đó, con người xứ Thanh giàu lòng yêu nước, anh dũng, kiên cường, năng động, sáng tạo... đã và đang góp phần xây dựng nên hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Đồng thời, là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa phát triển mới cho Thanh Hóa, với điều kiện tiên quyết là phải khơi dậy và phát huy được những nguồn lực đặc biệt này, bằng những cơ chế, chính sách mạnh mẽ và hiệu quả. Theo đó, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, nhằm tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa; huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Đẩy mạnh phong trào xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu...
Nổi bật trong đó phải kể đến Kết luận số 82-KL/TU, ngày 3-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2025; Kết luận số 226-KL/TU, ngày 30-10-2019 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng nhằm giáo dục truyền thông yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2030”; Quyết định số 2671/QĐ-UBND, ngày 15-8-2011 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 2060/QÐ-UBND, ngày 17-6-2013 ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...
Cùng với đó, chú trọng xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người xứ Thanh. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống... Cụ thể là tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục. Lựa chọn chương trình đào tạo tiên tiến gắn với chuẩn đầu ra, trang bị cho lao động những kỹ năng, kiến thức và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhân lực cho các ngành kinh tế của tỉnh. Để chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, tỉnh chú trọng phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao; khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế; đưa dịch vụ y tế trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng...
Đặc biệt, để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhằm cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Điển hình là Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm sóc người có công với nước; hỗ trợ những người yếu thế khắc phục khó khăn ổn định cuộc sổng, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp.
Từ định hướng đến việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển văn hóa, con người, có thể khẳng định, một “sức mạnh mềm” đã và đang được vun đắp để làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa và đất nước.