Phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về mọi mặt

Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm kết nối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với vùng đồng bằng Sông Hồng; cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta và Đông Bắc nước CHDCND Lào. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Thanh Hóa luôn được xem là 'phên dậu', 'một vùng đất căn bản', thế dựa vững chắc để chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm bờ cõi của kẻ thù. Với đất đai rộng lớn, 'rừng vàng, biển bạc', tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số đông, nhiều bậc hiền tài có công lớn với đất nước, Thanh Hóa được ví như 'một Việt Nam thu nhỏ', hội tụ đủ 3 vùng địa lý, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc bộ, chiếm tới 80% diện tích toàn tỉnh, có 16 xã biên giới; 213,6km đường biên giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; vùng đồng bằng lớn nhất Trung bộ, đất liền nhìn ra Vịnh Bắc bộ với chiều dài 102km bờ biển, bao quát trên 17.000km2 thềm lục địa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cùng người có uy tín tại địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc trên địa bàn đơn vị quản lý. Ảnh: H.L

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã sớm khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, coi biên giới là bờ cõi giang sơn, là “cương vực”, “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, “phên dậu” của đất nước. Từ khi Đảng ta ra đời, nhất là sau khi nước nhà giành được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đặc biệt quan tâm đến vấn đề biên giới; xác định đúng đắn vai trò quan trọng của biên giới gắn liền với độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN.

Cách đây 65 năm, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn thành thắng lợi, các thế lực thù địch điên cuồng chống phá cách mạng nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Trước yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 về việc thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng thống nhất, chuyên trách đảm nhiệm công tác biên phòng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam. Ngày 3/3 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của BĐBP Việt Nam.

Cùng với sự ra đời và lớn mạnh của BĐBP cả nước, ngày 28/4/1959, Công an Nhân dân vũ trang tiền thân của BĐBP Thanh Hóa được thành lập. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới của tỉnh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, bám trụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với Nhân dân.

Với tinh thần “Trung thành với Ðảng, tận tụy với dân”, “Coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa đã mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, chủ động nắm chắc tình hình hai tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; lập và triển khai thành công nhiều chuyên án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm; phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong triển khai thực hiện các đề án của tỉnh về: “Tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh biên giới phía Tây Thanh Hóa”, “Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho Nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo tỉnh Thanh Hóa” và “Giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn các xã biên giới”...

Đặc biệt, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và triển khai thực hiện Thông báo số 55-TB/TU ngày 27/3/2006 về “Tăng cường cán bộ, sĩ quan BĐBP cho các xã biên giới” và Kết luận số 50-KL/TU ngày 20/4/2010 về “Phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh”; tăng cường cán bộ biên phòng tham gia giữ chức phó bí thư đảng ủy các xã biên giới và xã vùng đệm Mường Lý (Mường Lát). Toàn tỉnh không còn tình trạng bản trắng đảng viên; tại địa bàn các xã được tăng cường cán bộ BĐBP, tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế - xã hội từng bước phát triển.

Trong điều kiện đời sống hết sức khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng ý chí quyết tâm, chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh cứu dân trong bão lũ, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và quyền tài phán trên biển, giữ gìn từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ quân hàm xanh giúp Nhân dân gặt lúa, dựng nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho những phận đời khó khăn vùng biên giới, biển đảo, nâng bước cho trẻ em đến trường,... thực sự trở thành “điểm tựa xanh” vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

Công tác đối ngoại biên phòng được đặc biệt quan tâm, BĐBP Thanh Hóa thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào duy trì công tác tuần tra vùng giáp biên; phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của hai nước, nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, vượt biên trái phép, xây dựng và củng cố khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Lào...

Việc tổ chức “Ngày biên phòng toàn dân” 3/3 hằng năm được thực hiện theo đúng quy định, thực sự trở thành ngày hội toàn dân với nhiều hoạt động có chiều sâu, hướng về biên giới, biển đảo với ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa sâu sắc. Trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, các kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho Nhân dân tham gia cùng với BĐBP bảo vệ biên giới quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... BĐBP đã tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới; hỗ trợ ngư dân tuyến biển vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo,... qua đó củng cố thế trận “Biên phòng toàn dân” ngày càng vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng kiểm tra công tác trực sẵn sàng chiến đấu tại Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) và công tác chăm lo đời sống Nhân dân đón Tết Giáp Thìn. Ảnh: Minh Hiếu

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc của lực lượng BĐBP Thanh Hóa, Ðảng và Nhà nước đã tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho nhiều tập thể và cá nhân; đặc biệt, ngày 18/12/2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới cho BĐBP Thanh Hóa.

Trong thời gian tới, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh thời cơ, vận hội tác động tích cực đến công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn mới; các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là cấp ủy, chỉ huy BĐBP Thanh Hóa cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trọng tâm là Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Quy chế biên giới giữa Việt Nam và các nước. Thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy sức mạnh của toàn dân, trong đó BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong tham mưu và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; củng cố nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Thứ hai, để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với các lực lượng chức năng, công tác biên phòng cần tiếp tục theo dõi sát và nắm chắc tình hình, địa bàn trọng điểm, tình hình tôn giáo, hoạt động của các loại tội phạm tại khu vực biên giới, vùng biển; xây dựng phương án triển khai lực lượng giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kiên quyết đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, bảo đảm tuyệt đối an toàn các khu vực trọng điểm và công trình trọng yếu của tỉnh.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với các hoạt động nhân kỷ niệm “Ngày biên phòng toàn dân” 3/3 hằng năm, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật phục vụ công tác và chiến đấu; thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, tài chính, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phương tiện công tác và chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. BĐBP tỉnh cần chủ động tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tích cực tham gia giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, không di cư tự do, xây dựng địa bàn biên giới ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng - an ninh.

Thứ tư, tiếp tục tham gia thực hiện công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của cán bộ biên phòng tăng cường tham gia giữ chức phó bí thư đảng ủy các xã biên giới và xã vùng đệm Mường Lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Phát huy vai trò nòng cốt, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các đề án bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng liên ngành (công an, quân sự, BĐBP) trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên biên giới phía Tây, các khu công nghiệp trọng điểm ven biển. Đồng thời, quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ vững mối quan hệ phối hợp với lực lượng vũ trang và Nhân dân hai bên biên giới, duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, toàn diện với tỉnh Hủa Phăn (nước

CHDCND Lào), xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.

Thứ năm, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống anh hùng của quê hương, của lực lượng BĐBP cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng lực lượng BĐBP Thanh Hóa thực sự trở thành đội quân chính trị tốt, đội quân công tác giỏi của BĐBP Việt Nam. Tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa dù ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện tính cách mạng, xung kích, kỷ luật, trung thực, chống tiêu cực, tham nhũng, chống bệnh thành tích, hình thức, càng trong khó khăn gian khổ, hy sinh thì càng phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài và là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh hãy tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của BĐBP, đặc biệt là các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn. Thường xuyên chăm lo đến đời sống cán bộ, chiến sĩ BĐBP; kịp thời động viên, hỗ trợ những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện giúp anh em yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương và truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, tin tưởng rằng, BĐBP Thanh Hóa sẽ lập nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới, biển, đảo của tỉnh vững mạnh về mọi mặt, cùng với cả tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/phat-huy-vai-tro-nong-cot-chuyen-trach-trong-quan-ly-bao-ve-chu-quyen-an-ninh-nbsp-bien-gioi-quoc-gia-xay-dung-khu-vuc-bien-gioi-vung-manh-toan-dien-ve-moi-mat/207593.htm