Phát huy vai trò nòng cốt của Tổ khuyến nông cộng đồng trong canh tác lúa phát thải thấp

Ngày 18/4, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh tổ chức Tọa đàm 'Tổ chức khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã, tổ hợp tác trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp'.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng phát biểu kết luận buổi tọa đàm.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng phát biểu kết luận buổi tọa đàm.

Hơn 200 đại biểu là cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng đại diện các hợp tác nông nghiệp, nông dân tiêu biểu tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự được nghe đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin kết quả sau một năm thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp đến, các đại biểu được nghe đại diện của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh trình bày các tham luận: Vai trò của khuyến nông cơ sở và hợp tác xã trong tổ chức sản xuất lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại tỉnh Trà Vinh; kết quả triển khai mô hình thí điểm canh tác lúa giảm phát thải tại Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo;...

Đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa phát thải thấp tại xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa phát thải thấp tại xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thực hiện thí điểm Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, hệ thống khuyến nông cộng đồng bước đầu đã được hình thành và triển khai rộng khắp.

Đến cuối năm 2024, có 57 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng, thu hút 47.000 thành viên. Tổ khuyến nông cộng đồng hình thành trên cơ sở tự nguyện, gồm các thành viên có chuyên môn, uy tín, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Thành phần Tổ khuyến nông cộng đồng gồm: cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, xã, đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, cán bộ đoàn thể và chính quyền địa phương.

Theo số liệu tổng hợp, đến nay cả nước có 1.381 hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đến năm 2030.

Trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chọn 7 hợp tác xã nông nghiệp điển hình tham gia mô hình thí điểm triển khai Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ.

Các mô hình thí điểm có diện tích từ 10-53ha, sạ thưa, giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới. Kết quả, năng suất cao hơn khoảng 0,5 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm từ 10-15% so với mô hình đối chứng, giúp nông dân tăng lợi nhuận.

Đại diện Tổ khuyến nông cộng đồng xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, có ý kiến tại buổi tọa đàm.

Đại diện Tổ khuyến nông cộng đồng xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, có ý kiến tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tích cực thảo luận, nêu bật vai trò của chức Khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã, tổ hợp tác trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, kiến nghị có pháp nhân đối với tổ khuyến nông cộng đồng, sớm có chính sách tín dụng ưu đãi, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã,…

Theo đó, lực lượng khuyến nông cộng đồng đảm nhận vai trò then chốt là: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác phát thải thấp; tổ chức sản xuất và tư vấn phát triển kinh tế tập thể; tăng cường kết nối giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Hợp tác xã, tổ hợp tác giúp các địa phương đẩy nhanh việc tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung; ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất lúa phát thải thấp; thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; liên kết chuỗi giá trị nông sản và kết nối thị trường.

MINH KHỞI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-nong-cot-cua-to-khuyen-nong-cong-dong-trong-canh-lua-phat-thai-thap-post873491.html