'Phất' lên từ làm bánh chưng nhưng chúng tôi cho con học hành để 'thoát li' nghề
Nhiều gia đình làm nghề bánh chưng ở thôn Tranh Khúc (Thanh Trì) luôn mong con cái họ được học hành, trưởng thành, chứ không muốn chúng phải theo nghề.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) hối hả, luôn chân luôn tay để cho ra lò các mẻ bánh chưng phục vụ người dân Hà Nội. Đi qua những con ngõ, thôn xóm trong làng, mùi bánh chưng luộc thơm phưng phức khiến ai mới đến sẽ cảm thấy nhớ da diết cái hương vị ngày Tết.
Việc sản xuất bánh chưng quy mô lớn đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, bên cạnh đó là tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Kinh tế vững, nhiều gia đình đông con đã có điều kiện hơn để cho các con ăn học "thoát li" nghề gia truyền nhưng cũng đầy sự vất vả.
Cơ sở sản xuất bánh chưng rộng khoảng 200m2 với 8 nhân công, kế bên căn nhà tầng khang trang là cơ ngơi gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết. Để có được cơ ngơi này, hai vợ chồng chị đã lam lũ với nghề chục năm trời để gây dựng.
Gương mặt của bà chủ ngoài 40 tuổi có phần già dặn trước tuổi, tỏ rõ sự mệt mỏi sau gần nửa tháng dồn dập đêm hôm làm bánh cho khách hàng.
"Từ giữa tháng Chạp đến hết ngày 29 tháng Chạp, cơ sở của chúng tôi hoạt động ngày đêm để phục vụ đơn cho khách hàng. Có những đơn hàng 6.000 chiếc bánh chưng đặt trong ba ngày, chúng tôi phải cố gắng hoàn thành", chị Tuyết chia sẻ giá bánh dao động trong khoảng 30 nghìn đồng - 50 nghìn đồng/cái.
Chị Tuyết cho biết, hiện nay việc nấu bánh chưng đều có máy móc hỗ trợ, từ việc đánh đậu, luộc bánh... giảm lao động chân tay rất nhiều. Mỗi nhân công đều phụ trách một công đoạn để làm sao cho hoạt động trơn tru. Dẫu vậy, các công đoạn kĩ thuật đòi hỏi sự chính xác, gia đình chị Tuyết vẫn đảm nhận nên mọi người thay nhau xử lý.
Bên cạnh việc sản xuất bánh chưng truyền thống, cũng như cơ sở khác, nếu khách hàng yêu cầu, bánh cũng được hút chân không, hoặc làm bánh chưng chay, bánh chưng gấc...
Trong lúc trò chuyện, bé trai mới sinh của chị Tuyết ngủ dậy và khóc lớn, chị cho biết đây là đứa con thứ tư, trên bé là ba chị gái, cô con gái lớn đang liên thông đại học sư phạm và đang giảng dạy tại một trường học tư thục.
Con gái có công ăn việc làm ổn định, và không phải làm nghề gia truyền là điều vợ chồng chị Tuyết đều mong muốn. Bởi chị và chồng hiểu rõ sự vất vả của cái nghề "bận như con mọn" này.
Nhớ lại kỉ niệm về nghề, chị Tuyết chia sẻ, chị cũng là người dân làng Tranh Khúc, học hết phổ thông chị không thi đỗ đại học nên chọn nghề của của cha ông để mưu sinh. Đến khi lập gia đình, hai vợ chồng chị làm nghề, và chị vẫn đạp xe lọc cọc đi vài chục cây số những ngày nắng, mưa để đi bán lẻ, giao hàng cho những quán giò, chả. Dần dần khi đã quen mối, khách hàng cùng đơn đặt tăng lên, vợ chồng chị mở rộng sản xuất.
"Những ngày thường, gia đình tôi làm đơn đặt cho khách hàng và bán lẻ. Vào ngày Rằm và mồng một, đơn hàng được đặt nhiều hơn, nhưng nhiều nhất vẫn là vào dịp tết.
Nhiều đêm thức trắng để trông bánh chưng, có lúc đôi mắt tôi như sụp xuống, lúc này tôi lại ước rằng khi xưa mình chịu khó học tập, có phải bây giờ được chăn ấm, đệm êm, không vất vả như vậy", chị Tuyết chia sẻ.
Nhìn bố mẹ đêm hôm vất vả làm việc, cô con gái lớn của chị Tuyết nói rằng, nghề của mẹ nuôi sống được các con ăn học nhưng quá lam lũ, chúng con sẽ cố gắng học hành để không nối tiếp công việc này nữa.
Nghe con nói vậy, vợ chồng chị Tuyết hoàn toàn ủng hộ con, bởi họ cũng nhận thấy sự vất vả của cái nghề này, nên luôn mong con cái có tương lai tốt đẹp hơn.
Cách nhà chị Tuyết một đoạn là gia đình ông Nguyễn Văn Giáp (69 tuổi) đã nghỉ nghề làm bánh chưng khoảng chục năm nay, khi đã nuôi 5 con gái ăn học nên người. Trong đó, có 4 người con học đại học hiện đang làm viên chức trong nhà nước, và một người con gái học trung cấp, hiện đang mở quán ăn.
Nhắc đến việc học của các con, ông Giáp khẳng định: "Chưa bao giờ vợ chồng tôi muốn các con theo nghề nên luôn muốn chúng được học hành đến nơi đến chốn. Thiếu gì thì thiếu, chứ thiếu kiến thức là không được".
Ông Giáp chia sẻ, quãng thời gian ông làm nghề khi xưa đều làm thủ công, nên vất vả hơn nhiều. Vào dịp tết, gia đình thuê khoảng 6, 7 nhân công để phục vụ cho việc sản xuất, đảm bảo đúng thời gian giao hàng cho khách. Có những ngày, cơ sở cho ra lò hàng trăm chiếc bánh, trừ các khoản, vợ chồng ông cũng tích cóp để lo cho các con ăn học.
Trong quá trình 5 người con ăn học, không một cô con gái nào phải đi làm thêm, họ chỉ việc chuyên tâm vào học hành. Ngay đến căn nhà lụp xụp của gia đình đang ở, ông Giáp cũng không xây mới và chỉ đến khi các con trưởng thành, vợ chồng ông mới xây nhà.
Cô con gái thứ ba của vợ chồng ông Giáp là Nguyễn Thị Hường, hiện đang là viên chức, vẫn nhớ về những ngày tháng khi xưa vào dịp tết, trời lạnh gió rét buốt, bố mẹ vẫn đang ngồi rửa lá, rồi gói bánh, khênh thùng bánh nặng ... hay đó là những hôm, chị buồn ngủ khi ngồi học bài nhưng thấy bố mẹ vẫn làm việc, chị lại ngồi học tiếp bởi nhớ đến câu nói của bố mẹ.
"Các con cứ cố gắng học, ai học đến đâu thì bố mẹ đều sẽ lo hết để không ai phải nghỉ học cả", chị Hường nhớ lại.
Chia sẻ về nghề làm bánh chưng của người dân làng Tranh Khúc, bà Lý Thị Thiệp (Trưởng thôn làng Tranh Khúc) cho hay, nghề làm bánh chưng đã trải qua nhiều thế hệ và trở thành nghề lao động chính của nhiều hộ gia đình. Nghề giúp người dân nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt tăng cao vào dịp tết giúp họ có thêm kinh phí lo cho các con ăn học, đặc biệt là những nhà có đến bốn, năm người con.
Bà Thiệp cho biết, năm 2011, địa phương được thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, từ đây làng nghề làm bánh chưng càng được nhiều người biết đến. Song song với đó, công đoạn sản xuất của các hộ dân luôn phải gắn liền với an toàn vệ sinh, ví như thịt lợn được nhập từ lò mổ trong làng...
Cũng làm bánh chưng từ nhỏ, bà Thiệp chia sẻ, để có chiếc bánh thơm ngon, nên chọn nhân thịt làm bánh có ba phần mỡ, bảy phần lạc nếu không bánh sẽ khô. Trong quá trình làm bánh nên có hạt nêm và dầu ăn vào trong nhân bánh, để bánh được ngậy hơn.