Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội ở phiên thảo luận kinh tế xã hội
Trong 2 ngày thảo luận (27-28/10), các đại biểu đã phân tích, đi thẳng vào nhiều vấn đề, đánh giá sâu sắc và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Mức sống tối thiểu không chỉ là ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo
Đề nghị tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023 cho những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh: "Xin lưu ý, mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, năm hai bộ quần áo như thời bao cấp".
Ông Nghĩa cùng đề xuất cần có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc "lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình".
Cán bộ làm đúng, trong sáng, vì nước vì dân thì có gì phải ngại
Không đồng tình với suy nghĩ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử", Phó trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, từ chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm... sẽ khó thúc đẩy xã hội phát triển.
"Thủ tướng nhiều lần phê bình hiện tượng này và từng nói thẳng ai không làm thì đứng sang một bên. Tôi cho rằng nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. Vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", bà Yên nói.
Theo đại biểu Yên, nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không hiệu quả cần xem xét lại việc bố trí, thuyên chuyển sang công việc khác phù hợp hơn.
Không tự chủ bệnh viện là thất bại, không có thuốc điều trị là lỗi với dân
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ lo ngại về nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực y tế thời gian gần đây, như hàng nghìn cán bộ y tế ồ ạt ra khỏi khu vực công; thuốc men, sinh phẩm bị thiếu; việc mua sắm trang bị y tế trong bệnh viện bị đứt gãy, đình đốn; vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ...
Đại biểu Trí cho rằng, dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với nhân dân, và đề nghị Chính phủ bằng mọi giá phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này.
Về tự chủ bệnh viện, ông kiến nghị "phải cho bệnh viện tự chủ thực sự", đặc biệt là về tài chính và nhân sự. Việc không tự chủ được ở các bệnh viện hạng cao, tuyến cuối là một sự thất bại. Nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp.
Không hợp thức hóa sai phạm đất đai
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, trong đó, từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ và các vấn đề liên quan tại địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố và sau đó tính toán triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước.
Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của nhà nước, không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm, không làm ảnh hưởng đến bên thứ 3 ngay tình.
Để tránh lợi ích nhóm, Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tập trung vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, định giá và hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.
Hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ rất đáng tiếc và bất thường
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, không có sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu như dư luận nghi ngờ, bởi năng lực sản xuất của 2 nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn khoảng 2,5-2,6 triệu khối; cộng với 34 doanh nghiệp đầu mối nhập 500.000 khối, đáp ứng nhu cầu sử dụng hết tháng 11 và các doanh nghiệp đầu mối vẫn tiếp tục nhập khẩu, 2 nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất.
Thời gian qua, thông qua các công cụ thuế, phí và chính sách xã hội, thị trường xăng dầu ở nước ta ổn định, luôn không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.
.Để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, vì dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh miền Bắc và phía Trung lại không xảy ra tình trạng tương tự.
Giá cả đã "nhanh chân mà chạy trước" lương
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) chia sẻ việc cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương chưa tăng mà giá cả đã "nhanh chân mà chạy trước". Rồi, câu chuyện giá - lương - tiền, cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm.
"Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng... tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình", ông Thái nói.
Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử
Chia sẻ về thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, có cán bộ tâm sự với "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.
Dù Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật. Cán bộ chỉ làm cầm chừng, không dám đột phá. Vì vậy, ông đề nghị các bộ ngành thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh cho đồng bộ, sát thực tiễn.
Có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai
Đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng: "Đất đai là 1 trong những lĩnh vực được chứa đựng rất nhiều những băn khoăn, trăn trở và cả những thách thức chưa thể vượt qua".
Nói về nguyên nhân, bà Mai đề cập đến khía cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước, có một thực tế đó là lối tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí đất đai rất lớn.
Thứ hai, bà Mai cho rằng, có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì có biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu giao đất không qua đấu giá.
Thứ ba là trách nhiệm trong bộ máy công quyền trong một số trường hợp là chưa cao. Bên cạnh rất nhiều con người ngày đêm cống hiến thì còn một bộ phận thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
Khó nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc lớn, thu nhập thấp
Nêu nguyên nhân nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc là do thu nhập thấp, áp lực công việc và môi trường công tác, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại của ngành y tế trong thời gian vừa qua rất cần phải đánh giá đúng, đánh giá đủ nguyên nhân để đưa ra các giải pháp căn cơ, chiến lược. Bởi ngành y là một ngành đặc biệt, cần được đào tạo và đãi ngộ đặc biệt.
"Thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng những đam mê khi mà áp lực công việc lớn trong khi thu nhập lại thấp", nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn nhìn nhận và đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y.