Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp

Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.

Thích ứng để bền vững

“Chúng ta thường nói đến bền vững như một mục tiêu xa vời, nhưng liệu đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Làm thế nào để đo lường hiệu quả thực sự của nó?”, GS. Laurent El Ghaoui, Hiệu phó phụ trách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tại VinUni đặt câu hỏi tại VSMCamp & CSMOSummit 2024 ngày thứ hai.

Ông cất giọng trầm ổn, dẫn dắt khán giả vào một câu chuyện đầy suy tư về bền vững, trí tuệ nhân tạo (AI) và hiệu quả.

Với góc nhìn của một nhà công nghệ, GS. Laurent không chỉ dừng lại ở việc đặt câu hỏi. Ông vẽ nên bức tranh về vai trò của AI như một công cụ mạnh mẽ để tối ưu hóa các quy trình, đo lường tác động và tạo ra những giải pháp thiết thực cho Việt Nam.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực toàn cầu ngày một lớn, công nghệ trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu để các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh, đây không chỉ là câu chuyện của từng doanh nghiệp mà còn là sứ mệnh quốc gia. Bởi xây dựng hệ sinh thái bền vững không chỉ giúp nâng cao hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới mà còn là trách nhiệm đối với tương lai.

Những tràng pháo tay vang lên, nhưng dư âm của bài phát biểu dường như vẫn đọng lại, thúc giục người nghe suy nghĩ sâu hơn về câu chuyện phát triển bền vững.

Khi bà Nguyễn Thị Minh Giang, nhà sáng lập và CEO Newing bước lên sân khấu, bà mở đầu bằng một câu hỏi đầy thách thức: "Thích ứng có phải là điều kiện tiên quyết để sống còn, hay đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững?".

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, nhà sáng lập và CEO Newing - Ảnh: NB

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, nhà sáng lập và CEO Newing - Ảnh: NB

Trong ánh mắt của bà Giang, không chỉ là kinh nghiệm của hơn 15 năm đồng hành cùng hàng trăm doanh nghiệp mà còn là sự đúc kết từ những thăng trầm thực tế.

Bà chia sẻ, sự thích ứng của một tổ chức không nằm ở việc chạy theo các xu hướng ngắn hạn mà ở chỗ tinh giản và tập trung vào cốt lõi.

CEO Newing cho rằng, một tổ chức linh hoạt phải là một tổ chức có khả năng đổi mới ở mọi cấp, từ lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ quản lý trung gian – những người chịu trách nhiệm chuyển hóa chiến lược thành hành động thực tiễn.

Bà Giang kể về một doanh nghiệp nhỏ, từng đối mặt với nguy cơ phá sản trong đại dịch nhưng đã lật ngược tình thế bằng cách cải tổ văn hóa tổ chức.

Không phải nhờ nguồn lực dồi dào mà nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, sự giao tiếp hiệu quả và, quan trọng nhất, là một hệ thống quản lý cho phép nhân viên cảm thấy an toàn để thử nghiệm, sai lầm và học hỏi.

"Khi mọi bộ phận cùng hướng về một mục tiêu chung, tổ chức ấy không chỉ tồn tại mà còn bứt phá", CEO Newing nhấn mạnh.

Phát triển bền vững có tính kế thừa

Chia sẻ về một góc nhìn khác về hành trình phát triển bền vững, ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Việt Nam cho rằng: "Trong một thế giới thay đổi chóng mặt, công nghệ có thể là một lợi thế, nhưng văn hóa doanh nghiệp mới là thứ giúp tổ chức tồn tại qua nhiều thế hệ".

Ông kể về một tập đoàn lớn đã từng đứng trước nguy cơ sụp đổ vì sự thiếu kết nối giữa các giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, bằng cách khơi dậy "tinh thần người chủ" trong từng nhân viên và củng cố văn hóa tập trung vào khách hàng, doanh nghiệp ấy không chỉ phục hồi mà còn vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực của mình.

"Thách thức lớn nhất", Giám đốc Swinburne Việt Nam nhấn mạnh, "không phải là việc duy trì văn hóa doanh nghiệp mà là làm sao truyền cảm hứng và giữ gìn các giá trị này qua những thế hệ lãnh đạo kế tiếp".

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, khi nhà báo Vũ Kim Hạnh, cùng con trai là ông Nguyễn Tấn Kiến Phước, một doanh nhân trẻ, đã cùng chia sẻ về mối liên kết giữa các thế hệ trong việc kiến tạo hành trình phát triển bền vững.

Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp - Ảnh: NB

Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp - Ảnh: NB

Ông Phước, với sự trẻ trung và đầy năng lượng, kể về hành trình khởi nghiệp của mình, nơi ông tìm thấy động lực từ những câu chuyện của thế hệ trước.

“Khi hiểu rõ lý do mà cha mẹ chúng ta bắt đầu, chúng ta mới có thể tiếp nối hành trình ấy bằng cách của riêng mình", ông Phước nói.

Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về dự án podcast mà ông khởi xướng, như một cây cầu nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ trẻ. Vị doanh nhân tin rằng việc kế thừa không chỉ là giữ gìn quá khứ mà còn là một hành trình phát triển bền vững cho tương lai.

Dễ thấy, trên hành trình bền vững, vốn không có yếu tố nào đứng độc lập. Công nghệ mang đến công cụ, văn hóa tạo nền tảng, và di sản là nguồn cảm hứng để mỗi thế hệ tiếp nối và phát triển.

Và như một lời kết, hành trình thích ứng không chỉ là câu chuyện của sự tồn tại. Đó là hành trình để các cá nhân, doanh nghiệp và cả quốc gia tiến bước vững chắc, hướng tới những giá trị vượt thời gian.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/phat-trien-ben-vung-co-tinh-ke-thua-giua-cac-ong-chu-doanh-nghiep-d38061.html