Phát triển bền vững đặt ra thách thức đổi mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc áp dụng mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh…

Chiều 3/10, "Lễ trao giải Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 và Giới thiệu các công cụ hỗ trợ thực hành Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) trong doanh nghiệp" đã được tổ chức.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng.

Xu hướng "chuyển đổi xanh" đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp.

Thiếu về cả số lượng và chất lượng

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 29.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40-45% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

"Mặc dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này", Thứ trưởng Phương nói.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức chủ quan và khách quan. Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai hết sức phức tạp, tác động ngày càng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Cùng với đó, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang ngày càng gia tăng; các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế carbon, công cụ kiểm chứng carbon… đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: "Phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu, đây không chỉ là sự tự nguyện mà còn là trách nhiệm tuân thủ. Thực tiễn này đặt ra thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu".

Việc áp dụng mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Việc áp dụng mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

ESG không phải là công cụ để "làm màu"

Bà Aler Grubbs – Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) chia sẻ: "Để các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển của Việt Nam có thể cạnh tranh trong chuỗi cung ứng và thị trường khu vực và toàn cầu, điều quan trọng là phải áp dụng các hoạt động quản trị, xã hội và môi trường bền vững và lành mạnh".

Bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng các hoạt động ESG, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu và hỗ trợ phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Aler Grubbs – Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam)

Bà Aler Grubbs – Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam)

Nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp gắn kết chiến lược phát triển bền vững, Chương trình "Sáng kiến ESG Việt Nam 2024" chính thức vinh danh 3 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Ecoka; Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Sài Gòn Secoin, Công ty Cổ phần Shinec là 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) chia sẻ: "Với sự phát triển không ngừng của xã hội, các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên như nấm. Hệ lụy là ô nhiễm xuất hiện ở khắp nơi, khắp vùng miền khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm tìm tòi, học hỏi tìm ra bằng được giải pháp để phát triển một cách bền vững".

Chính vì vậy, ông Điệp cho biết đã xây dựng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với các hoạt động kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải cacbon, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn chất thải nhằm đạt mục tiêu cải thiện hiệu quả kinh tế của tất cả các nhà máy tham gia vào khu công nghiệp sinh thái, đồng thời giảm thiểu các tác động của chúng đến môi trường.

Chủ tịch HĐQT Shinec cũng cho rằng, tính cạnh trong trong phát triển là vấn đề quan trọng, khi thu hút FDI vào đầu tư, doanh nghiệp đã theo dõi các tiêu chuẩn ESG từ rất lâu. Nên, nếu không quan tâm, không thực hiện ESG thì tính cạnh tranh sẽ rất thấp.

Lắng nghe câu chuyện từ các doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thẳng thắn nhìn nhận: "Nếu nghĩ ESG như một công cụ trang trí hay để "làm màu" với thị trường thì không thể bền vững".

Bà Thủy cho rằng, thực hiện ESG là chuyện đường dài, phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-trien-ben-vung-dat-ra-thach-thuc-doi-moi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-204241003165006676.htm