Phát triển bền vững: Hướng đi tất yếu của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân bắt nhịp với xu hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh như thế nào để có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội?

Phát triển bền vững là xu hướng của doanh nghiệp.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang trở thành khu vực đông đảo nhất, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu từ Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, khu vực này chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 30% thu ngân sách, hơn 50% GDP, trên 56% tổng vốn đầu tư và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động.
Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, kinh tế tư nhân dự kiến đóng góp 70% GDP, với nhiều doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.
Nhiều nội dung đã được Tổng Bí thư nêu rõ để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có nội dung 7: Phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong, quan tâm đến kinh tế xanh, phát triển bền vững, tập trung vào các tiêu chí ESG, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Câu chuyện từ các doanh nghiệp
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: Phát triển bền vững không còn là chủ đề mới. Đây được coi là một cơ hội để phát triển cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không chỉ là các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì phát triển bền vững gắn với ESG được coi là một lựa chọn và là một cơ hội.

Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã chọn con đường phát triển các sản phẩm xanh, để tạo ra quá trình bền vững
Doanh nhân Đào Thúy Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco) cho biết: Ngay từ sớm, doanh nghiệp đã chọn con đường phát triển các sản phẩm xanh, để tạo ra quá trình bền vững. Thực tế, 50 năm qua, mô hình ESG (phát triển bền vững) được doanh nghiệp cam kết với cổ đông, các bên liên quan về phát triển bền vững, tăng trưởng tốt đồng thời quan tâm tới bảo vệ môi trường, xã hội.
Trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, môi trường là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi phát triển vùng trồng dược liệu ở miền núi, tiến hành ký kết với bà con để họ chủ động thực hành việc bảo vệ nguồn dược liệu, nuôi trồng xanh và bảo vệ môi trường. Nhờ những hướng thực hiện như vậy, Traphaco trở thành tiên phong trong dược liệu sạch của Việt Nam, được thị trường tín nhiệm.
Đồng quan điểm này, doanh nhân Trần Thanh Việt (Tổng Giám đốc Vgreen Group) chia sẻ: "Ngay từ năm 2010, khi đặt nền móng thành lập công ty, tôi đã xác định, với một doanh nghiệp tư nhân, để đi đường dài và lớn mạnh, muốn tham gia vào nền kinh tế cần phải tập trung vào phát triển nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tập trung vào vấn đề quản trị doanh nghiệp, chúng tôi còn tập trung vào các trách nhiệm xã hội như: đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu, sẵn sàng minh bạch dữ liệu, cải tiến sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng; tham gia các chương trình nhân đạo - từ thiện..., đóng góp cho cộng đồng và xã hội".

Sự phát triển của Vgreen Group luôn gắn với trách nhiệm cộng đồng
Trả lời cho câu hỏi về những bài học rút ra từ những doanh nghiệp đã thành công trong phát triển bền vững, bà Phi Hoa (Nhà sáng lập, điều hành công ty tư vấn chiến lược đầu tư - M&A ONE-VALUE) nhận định: "Ở khu vực kinh tế tư nhân, chúng tôi nhận thấy rằng ESG dần trở thành yếu tố được nhà đầu tư cân nhắc nghiêm túc. Vì thế tôi khẳng định, phát triển bền vững đây không phải là câu chuyện "đi theo xu hướng", mà là chiến lược giúp họ đứng vững khi thị trường thay đổi.

Bà Phi Hoa chia sẻ kinh nghiệm
Các doanh nghiệp thành công trong hướng đi này đều có điểm chung là tư duy dài hạn. Họ không bị cuốn theo mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn mà luôn đặt câu hỏi: "mình sẽ để lại gì sau 5 năm, 10 năm nữa?". Đồng thời, họ rất coi trọng đạo đức kinh doanh. Đó là sự lựa chọn làm điều đúng đắn, kể cả khi chi phí ban đầu có thể cao hơn, bởi họ tin rằng điều đúng sẽ bền".
Nhìn nhận phát triển bền vững là xu thế chung của doanh nghiệp Việt, đại diện VCCI cũng nhấn mạnh: Kinh doanh bền vững là năng lực của các doanh nghiệp trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế thể hiện qua các chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với lĩnh vực ngành nghề, khu vực địa lý, và độ phủ thị trường của các doanh nghiệp. Trong đó, ESG là một xu thế tất yếu, cung cấp khung đánh giá về Môi trường, Xã hội và Quản trị trong vận hành doanh nghiệp, giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro và cơ hội về ba khía cạnh này.
Chính sách nào giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững hơn?
Theo bà, Phi Hoa, chính sách giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững không chỉ là định hướng mà còn là công cụ mạnh mẽ thúc đẩy hành vi doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất nhà nước cần có những chính sách khuyến khích tài chính cụ thể như miễn giảm thuế, hỗ trợ tiếp cận tín dụng xanh hoặc trợ giá công nghệ sạch.
Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn ESG dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất quan trọng. Những tiêu chuẩn này cần dễ áp dụng, thực tế, nhưng vẫn bảo đảm tính minh bạch. Cuối cùng, hệ sinh thái đào tạo và tư vấn là không thể thiếu, giúp doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ – hiểu được phát triển bền vững không phải gánh nặng mà là cơ hội.
"Tôi mong muốn Chính phủ sớm có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh. Bên cạnh đó, để tránh việc phát triển bền vững chỉ mang tính chất phong trào, cần phải có những định hướng cụ thể để các doanh nghiệp nhìn nhau và bắt nhịp phát triển theo", doanh nhân Trần Thanh Việt bày tỏ thêm.