Phát triển bền vững khu công nghiệp
Vừa qua, tại Hà Nội Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn 'Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam'.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cả nước đã có 418 Khu công nghiệp đã thành lập, bao gồm 371 Khu công nghiệp nằm ngoài các Khu kinh tế (KKT), 39 Khu công nghiệp nằm trong các KKT ven biển, 8 Khu công nghiệp nằm trong các KKT cửa khẩu. Nếu tính riêng các Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đã có 272 Khu công nghiệp đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Phó Chủ tịch VCCI cho hay, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, năm 2022, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện 1 nghiên cứu, khảo sát thực trạng các Khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 Khu công nghiệp trên cả nước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp: Chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhận thức về Khu công nghiệp phát triển bền vững (PTBV) còn yếu.
“Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các Khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các Khu công nghiệp. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trao đổi tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi về các vấn đề đang được quan tâm trong phát triển Khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam như: Hiện trạng phát triển khu công nghiệp Việt Nam và góp ý xây dựng chính sách phát triển khu công nghiệp bền vững; Đánh giá về thực trạng tăng phát thải CO2 tại các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay; Xu hướng toàn cầu về phát triển khu công nghiệp bền vững; Kinh nghiệm, phát triển mô hình Khu công nghiệp cộng sinh - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon, xanh hóa Khu công nghiệp; Phát triển Logistics, hoàn thiện chuỗi cung ứng xanh trong các Khu công nghiệp; Xây dựng mạng lưới Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam; Quản lý khu công nghiệp, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào phát triển bền vững Khu công nghiệp Việt Nam...
Các ý kiến được đưa ra tại diễn đàn cùng chung nhận định, việc phát triển các Khu công nghiệp bền vững đang là mục tiêu của các nước công nghiệp trên thế giới, tiếp cận và đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu mới được xem như con đường tất yếu để bảo đảm tính cân bằng sinh thái trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tương tự, chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Như vậy, những định hướng phát triển bền vững, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ doanh nghiệp, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo…
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ cho hay, việc xây dựng Khu công nghiệp bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về môi trường và xã hội. Mô hình khu công nghiệp truyền thống và khu công nghiệp bền vững có những điểm khác biệt cơ bản đáng chú ý, phản ánh qua cách tiếp cận, mục tiêu và tác động đến môi trường cũng như cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển còn có nhiều khó khăn về tài chính và còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình. Theo đó, để đạt được yêu cầu của Khu công nghiệp bền vững, chúng ta cần có các cam kết mạnh mẽ hơn và có kế hoạch hành động để đẩy mạnh các cam kết này.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Công ty Cổ phần Green i - Park, tại tỉnh Thái Bình công nghệ hiện đại góp phần bảo vệ môi trường khu công nghiệp và các vùng phụ cận.
Bàn về giải pháp nhằm phát triển Khu công nghiệp bền vững thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý Khu công nghiệp nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng Khu công nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, để phát triển các Khu công nghiệp bền vững cần có thể chế để doanh nghiệp thực hiện và vận hành, Nhà nước sẽ hỗ trợ ưu đãi về đất đai, thuế phí và các hình thức hỗ trợ khác. Khẳng định kinh tế tuần hoàn yêu cầu về kéo dài vòng đời vật liệu, giảm phát thải, ông Thọ cho rằng tiêu chí hiện chúng ta xây dựng đã đầy đủ để doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng phương hướng trong tương lai. “Chuỗi kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ khảo sát, điều tra, thăm dò, sản xuất, phân loại, vận chuyển, lưu trữ… Nếu chúng ta thiết kế được trong một khu công nghiệp mà “đầu ra” của doanh nghiệp này là “đầu vào” của doanh nghiệp khác thì yêu cầu phải từ khâu thiết kế ban đầu”, ông Thọ nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết hiện Luật Bảo vệ môi trường đã quy định nhà tái chế có thể thu hồi sản phẩm của doanh nghiệp khác đã mở ra cánh cửa vào đầu tiên. Chính vì vậy, ông Thọ nhận định, khi thiết kế các Khu công nghiệp sinh thái có thể vận hành chúng ta cần thể chế hóa các quy định trước đây, tuân thủ luật chơi của thế giới.
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng dẫn số liệu đến cuối tháng 12/2023, Việt Nam có khoảng 397 công trình xanh, trong đó rất đáng mừng là trên dưới 100 công trình xanh đến từ các khối công nghiệp. Riêng thành phố Hải Phòng, trong quý I/2024 đã có trên 10 dự án công nghiệp đăng ký đánh giá để chứng nhận công trình xanh. Đây là một xu hướng rất mới, đón đầu các yêu cầu về thuế carbon trên thế giới mà EU đã áp dụng thí điểm từ tháng 10/2023 và sẽ bắt buộc từ năm 2026.
Ông Trần Tiến Dũng - Ủy viên VLA, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng thông tin thêm, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều vào các khu công nghiệp, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của các khu công nghiệp trong thu hút FDI. Tuy nhiên, cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu dễ nhưng cơ hội này không chia đều cho các quốc gia dù Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, chúng ta chậm bước hơn so với nhiều quốc gia dù không có lợi thế về vị trí địa lý như Việt Nam nhưng họ đi nhanh hơn nhờ sớm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Vì thế, phát triển bền vững là nội dung không phải là lựa chọn mà các nhà phát triển khu công nghiệp và ngành nghề liên quan bắt buộc phải làm. Tại hội nghị COP26, Chính phủ cam kết thực hiện NetZero vào năm 2050. Từ nay đến thời điểm đó tuy dài nhưng các khách hàng cao cấp đến từ Mỹ, châu Âu đã cam kết Net Zero sớm hơn vào năm 2030. Vì vậy, “từ thời điểm này chúng ta phải phát triển bền vững để vừa cạnh tranh các nước trong thu hút FDI vừa cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước. Doanh nghiệp nào đi sớm, đi nhanh trong phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội hơn để thu hút khách hàng phân khúc cao hơn”, ông Dũng nói.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-ben-vung-khu-cong-nghiep-373246.html